Báo Gia Lai xuất bản số báo thứ 5.000

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tháng 10-1975, Trung ương quyết định hợp nhất 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Ngày 10-12-1975, Báo Gia Lai-Kon Tum xuất bản số đầu tiên.

Những ngày đầu sau giải phóng, mặc dù tình hình đất nước nói chung, của tỉnh nói riêng gặp rất nhiều khó khăn như: Đói, đau, mù chữ... Bên cạnh đó, bọn tàn quân ngụy và FULRO ra sức chống phá chính quyền cách mạng. Nhiệm vụ của Báo trong thời kỳ này là tập trung tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu, nhiệm vụ do Tỉnh ủy đề ra như: Quét sạch FULRO, bọn tàn quân ngụy và phản động khác; thực hiện định canh định cư và khai hoang phục hóa; ổn định và cải thiện đời sống nhân dân; xây dựng và củng cố chính quyền, các đoàn thể quần chúng; xây dựng, củng cố các chi bộ về tổ chức và tư tưởng...

Tham quan phòng Truyền thống Báo Gia Lai.
Tham quan phòng Truyền thống Báo Gia Lai.

Trong thời kỳ này, báo có 4 trang (khổ lớn) được phát hành hàng tuần; đội ngũ những người làm báo nằm trong biên chế của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum. Tuy đội ngũ cán bộ, phóng viên phần lớn chưa được đào tạo bài bản nhưng đã được rèn luyện, thử thách trong kháng chiến nên có tư tưởng kiên định, lập trường chính trị vững vàng, có kinh nghiệm công tác và tâm huyết với nghề.

Trước nhiệm vụ cách mạng mới, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin ngày càng cao của bạn đọc, cùng với đó là đòi hỏi chuyên nghiệp hóa hoạt động báo Đảng địa phương, ngày 8-8-1977, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum ban hành Quyết định số 59/QĐ về việc thành lập Ban Biên tập Báo Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Biên tập Báo Gia Lai-Kon Tum cùng tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng nội dung và hình thức tờ báo. Nhiệm vụ chủ yếu của tờ báo trong thời kỳ này là tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng đến với cán bộ, nhân dân; phản ánh không khí thi đua lao động sản xuất, đấu tranh chống lại các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của FULRO và tàn quân ngụy trước đây.

Năm 1991, tỉnh Gia Lai-Kon Tum được chia tách thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Ngày 2-11-1991, Báo Gia Lai xuất bản số báo đầu tiên mang tên “Gia Lai”. Báo có 8 trang, khổ A3, xuất bản 2 kỳ/tuần. Kể từ ngày chính thức mang tên Gia Lai đến nay, được sự quan tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, sự phối hợp của các ban ngành, địa phương, cùng với sự cố gắng của tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên trong cơ quan, Báo Gia Lai đã nhanh chóng trưởng thành trên nhiều lĩnh vực.

Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật

Từ vài ngàn tờ/kỳ, đến nay Báo Gia Lai đã đạt chỉ số phát hành trên 7.500 tờ/kỳ. Tính từ năm 1993 đến nay, báo in bằng công nghệ Offset thay công nghệ Ti-pô. Nếu trước đây báo in 8 trang thì đến nay các ấn phẩm báo cũng đã dày dặn hơn, với 10 đến 12 trang báo ngày, 12 trang báo Cuối tuần và 4 trang báo Ảnh. Thay vì 2 kỳ thời điểm mới chia tách tỉnh, đến nay báo đã phát hành hàng ngày (trừ chủ nhật), ngoài ra còn xuất bản báo Ảnh bằng 3 ngữ (1 kỳ/tuần) và Gia Lai Điện tử với khoảng 20 ngàn lượt truy cập/ngày đêm.

Cùng với sự tăng trưởng về số lượng, chất lượng nội dung và hình thức tờ báo cũng không ngừng được cải tiến. Báo đã đăng tải một cách kịp thời, chính xác các thông tin thời sự trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Không dừng lại ở đó, trên mặt báo hàng ngày xuất hiện các phóng sự, điều tra, bút ký, loạt bài mang tính chuyên sâu, với sự thể hiện chính xác, sinh động, sáng tạo. Hệ thống các chuyên mục cũng ngày càng đa dạng, phong phú, bám sát nhu cầu ngày càng cao của đông đảo độc giả. Việc thiết kế, trình bày cũng không ngừng được cải tiến. Hầu hết các ấn phẩm luôn được trình bày đảm bảo tính logic, font chữ dễ đọc, hình ảnh đẹp, nhiều đơn vị thông tin, kết cấu tin-bài-ảnh vừa đảm bảo tính khoa học vừa thông thoáng… hấp dẫn bạn đọc.

Về đội ngũ, hiện nay Báo Gia Lai có trên 70 cán bộ,  viên chức và người lao động, được biên chế thành 8 phòng chuyên môn. Hầu hết cán bộ, phóng viên, nhân viên đều đạt trình độ đại học, nhiều người là chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, nhiều người đạt trình độ cao cấp chính trị, có trình độ ngoại ngữ và tin học. Bên cạnh các đồng chí có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý và hoạt động báo chí là một đội ngũ phóng viên được đào tạo bài bản, yêu nghề... Đây là đội ngũ sẵn sàng kế tục sự nghiệp đầy vinh quang nhưng cũng không kém phần gian khổ mà các thế hệ trước đã xây dựng và vun đắp.

Năm 2012, Báo Gia Lai sẽ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống (16-3-1947_16-3-2012). Với một tờ báo có một bề dày truyền thống như vậy, theo đồng chí Đoàn Minh Phụng- Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Gia Lai, trong thời gian tới, Báo Gia Lai hướng đến mục tiêu trở thành một trong những tờ báo hàng đầu trong hệ thống các báo Đảng địa phương. Để làm được điều đó, Ban Biên tập sẽ bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, tập trung tuyên truyền Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân; thông tin kịp thời và chính xác các sự kiện kinh tế-xã hội của tỉnh; tham gia tích cực, hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng-chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; chống lại tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân theo tinh thần Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

Bên cạnh đó, Báo cũng sẽ tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề báo; quan tâm xây dựng và có chế độ ưu đãi đối với đội ngũ cộng tác viên; trân trọng tiếp thu ý kiến đóng góp của bạn đọc. Khuyến khích và có chế độ khen thưởng kịp thời, thích đáng đối với các tác giả có tác phẩm đạt chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác phát hành phấn đấu đạt mốc 1 vạn bản/kỳ trước năm 2015. Trước mắt cần “phủ sóng” báo Gia Lai tại các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tăng lượng báo bán lẻ tại các đại lý; phối hợp với Bưu điện chuyển báo kịp thời đến tay bạn đọc. Thường xuyên tổ chức các đợt điều tra, khảo sát yêu cầu bạn đọc, trên cơ sở đó có sự điều chỉnh kịp thời nội dung và hình thức tờ báo. Đẩy mạnh công tác từ thiện-xã hội gắn với việc mở rộng diện phát hành báo.

Tăng cường thu hút thông tin-quảng cáo trên báo, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp; cải tiến hình thức trình bày các trang thông tin-quảng cáo, coi đây là một bộ phận thông tin không thể thiếu được đối với tờ báo. Tích cực quảng bá hình ảnh của Báo Gia Lai đến toàn xã hội, trong đó chú trọng các đối tượng cán bộ-công chức, trí thức, thanh niên, doanh nhân… Cùng với đó là tiếp tục nâng cao chất lượng báo Gia Lai điện tử, liên tục cải tiến hình thức trình bày giao diện và lượng thông tin cập nhật từng giờ trong ngày, “làm thay” cho báo giấy những gì bạn đọc có nhu cầu.

Duy Lê

Có thể bạn quan tâm