Bao giờ người dân Chư Don hết “khát”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người dân xã Chư Don đang oằn mình trong những cơn “khát”. Họ “khát” dòng điện sáng, “khát” nguồn nước sạch và “khát” cả đường đi… Tuy vậy, các cấp chính quyền huyện Chư Pưh vẫn chưa tìm ra giải pháp giúp người dân vơi đi cơn “khát” đó.

Nằm cách trung tâm huyện Chư Pưh khoảng 10 km, Chư Don là một trong những xã còn nhiều khó khăn. Toàn xã có 4 thôn, làng với hơn 2.000 dân, trong đó người Jrai chiếm đại đa số. Người dân còn nghèo, gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế, cũng như nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống. Niềm mong ước lớn nhất của nhân dân trong xã là có một con đường liên xã để xóa đi sự cách trở, thuận tiện cho việc việc đi lại, chuyên chở hàng nông sản thông thương với bên ngoài. Tháng 10-2010 dự án làm đường được triển khai, với tổng kinh phí 8 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 31-12-2012.

 

Người dân khốn đốn khi qua cầu - ảnh: Văn Ngọc
Người dân khốn đốn khi qua cầu. Ảnh: Văn Ngọc

Người dân hết sức phấn khởi vì sắp thoát khỏi được cảnh lầy lội, vui nhất là những người dân làng Ia Ngăng - ngôi làng xa nhất và còn nhiều khó khăn nhất của xã Chư Don. Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn vì đã gần hai năm con đường này vẫn còn dang dở, khoảng 5 km còn lại từ làng Ia Ngăng đến làng Ia Lốp còn là đường đất vô cùng khó khăn trắc trở. Trở ngại lớn nhất là đoạn qua suối vào làng Ia Ngăng, một cây cầu bê tông đã xây dựng xong phần thân nhưng đường lên cầu chẳng thấy đâu. Để có thể ra ngoài mà không phải lội suối, (trước đây khi thi công, nhà thầu đã làm đường tránh nhưng nay đã bị nước lũ cuốn trôi - N.V) dân làng bắc hai hai đường dẫn tạm thời lên cầu mới, chủ yếu dành cho người đi bộ và xe gắn máy.

Muốn chở nông sản để đi bán, người dân phải dùng những chiếc công nông có gắn xích vào bánh xe và dùng tời để vượt qua con suối dữ. Cô giáo Nguyễn Thị Bình- giáo viên dạy điểm trường làng Ia Ngăng cho biết: “Mặc dù đã có hai đường dẫn lên-xuống cầu nhưng hai đường dẫn này rất cao, dốc đứng lại trơn trượt rất khó khăn trong việc di chuyển. Nhiều người dân bị té ngã khi qua đây, nhất là với chị em phụ nữ. Tôi và các cô giáo mỗi khi qua đây không dám chạy xe qua, mà phải nhờ người khác chạy qua, hoặc phụ nhau đẩy xe qua.  Mong con đường sớm hoàn thành để chúng tôi đỡ vất vả”.

 

Trạm y tế xã luôn trong tình trạng thiếu nước. Ảnh: Văn Ngọc
Trạm y tế xã luôn trong tình trạng thiếu nước. Ảnh: Văn Ngọc

Không chỉ khó khăn về giao thông mà đến nay, gần 90 hộ dân thuộc hai làng Ia Ngăng và Ia Lốp vẫn phải sống trong tình trạng thiếu điện thắp sáng, dù cho đường điện đã được dẫn đến từng làng. Thôn trưởng làng Ia Ngăng - Kpuih Srep nói: “Làng cũng có máy phát điện từ nước nhưng không ổn định, mùa nắng thiếu nước còn mùa mưa không dám để hoạt động vì sợ nước lũ cuốn trôi. Nay đường điện kéo về đến làng, nhiều hộ dân đã mua dây điện, ổ cắm, bóng điện nối trong nhà rồi, chỉ chờ ngày mắc điện nhưng chờ mãi không thấy mắc điện, dân làng buồn lắm”. Thiếu nguồn điện chiếu sáng, sinh hoạt của người dân gặp không ít khó khăn, cuộc sống nghèo nàn hơn và luôn “đói” thông tin khi không có đài, tivi... Con em trong làng vẫn phải đốt lửa hoặc thắp đèn dầu để học.

Bên cạnh đó, tại một vài làng của xã Chư Don vẫn chưa có trường mầm non và phải mượn nhà sinh hoạt cộng đồng làm nơi học tập cho con em trong làng. Vì thiếu điện, cộng với đường sá đi lại khó khăn nên tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số bỏ học sau tiểu học khá cao.

 

Đường điện đã vào đến làng nhưng người dân chưa được mắc điện. Ảnh: Văn Ngọc
Đường điện đã vào đến làng nhưng người dân chưa được mắc điện. Ảnh: Văn Ngọc

Ngoài việc đường sá đi lại khó khăn, thiếu điện chiếu sáng, xã Chư Don còn thiếu nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và vệ sinh hằng ngày. Toàn xã đang thiếu nước sạch trầm trọng, chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo. Rơmah Sem- Trưởng thôn làng  Ia Lốp bức xúc: “Trước đây nguồn nước của làng sạch lắm, nay người ta phun thuốc trừ sâu ở trên đầu nguồn, nước không đảm bảo vệ sinh, nhưng vì không còn nguồn nước nào khác nên phải dùng thôi”. Ngay tại trụ sở UBND xã Chư Don và Trạm Y tế xã cũng chưa khoan được giếng. Hệ lụy của việc chưa tìm ra nguồn nước, khiến cho khu vực trung tâm xã đìu hiu, dân cư không đến sinh sống nơi đây.
 

Trời nóng nực, người dân ngồi hóng mát. Ảnh Văn Ngọc
Trời nóng nực, người dân ngồi hóng mát. Ảnh Văn Ngọc

Trái ngược với các khu vực trung tâm cụm xã khác, tại trung tâm xã Chư Don, ngoài trụ sở xã và Trạm Y tế xã chỉ có một gia đình mở quán bán hàng, phục vụ cho nhu cầu của cán bộ, nhân viên trong xã. Để có nước sinh hoạt gia đình này phải chạy ra thị trấn Nhơn Hòa chở nước vào. Không riêng gia đình này, các cán bộ, bác sĩ, y sĩ, nhân viên của trạm y tế xã và  UBND xã cũng phải thay phiên nhau chở nước vào.

Ông Nguyễn Minh Hà- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện nay thiếu nước sạch là vấn đề nóng bỏng và cấp thiết nhất của xã. Tạm thời người dân sử dụng người dân dùng nước tự chảy hoặc ra chở nước từ thị trấn Nhơn Hòa  về để ăn uống, tắm rửa. UBND xã đã 4 lần tổ chức khoan thăm dò tại trụ sở xã nhưng đều thất bại và hiện đang khoan lần thứ 5, cách trung tâm xã 500m, nếu có nước sẽ lắp ống nước dẫn nước về. Và, UBND xã đang phối hợp với các bên liên quan sớm đưa nguồn điện, cũng như hoàn thành nốt giai đoạn hai đưa con đường vào phục vụ cho nhân dân”.

Chư Don ngày nay đã đổi thay nhiều, đời sống người dân được nâng cao phần nào, trẻ em đến tuổi cũng được đến trường học cái chữ. Nhưng để cho thấy một bộ mặt của nông thôn mới, thì Chư Don vẫn còn quá nhiều khó khăn, vẫn cần sự đồng lòng của người dân và chính quyền cũng như được quan tâm đặc biệt hơn nữa.

Hoành Sơn-Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm