Bảo hiểm thất nghiệp được coi là “phao cứu sinh” cho người lao động khi đang tham gia bảo hiểm xã hội không may bị mất việc làm hoặc cắt hợp đồng lao động mà chưa tìm được việc làm mới. Được coi là một trong những giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết những phức tạp xung quanh vấn đề lao động- việc làm, tuy nhiên, sau gần một năm hoạt động, bên cạnh những thành công bước đầu, nhiều vướng mắc cũng đã phát sinh khiến không ít người không được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp.
Theo thống kê của Phòng Bảo hiểm Thất nghiệp (Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh Gia Lai), từ ngày 1-1-2010 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 407 trường hợp người lao động đăng ký thất nghiệp (trong đó, số lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại địa phương là 343 người, số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tại các tỉnh khác là 8 người và nhận chuyển từ tỉnh khác về Gia Lai là 56 người). Trong số 407 lao động đăng ký thất nghiệp, Trung tâm đã giải quyết trợ cấp cho 287 người, tương đương 892 triệu đồng; số chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Gia Lai đến các tỉnh khác là 6 người; số đang chờ quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 25 trường hợp và số trường hợp đủ điều kiện đang chờ hoàn chỉnh hồ sơ để được hưởng là 33. Tuy nhiên, trong số đó cũng đã có tới 56 hồ sơ không đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp do đăng ký trễ hạn so với quy định, sai lệch thông tin trong hồ sơ, không nộp đủ hồ sơ hoặc không thuộc đối tượng được hưởng.
Theo ông Lê Hạnh- Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh, thì: Phần lớn trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là vì đăng ký trễ hạn, trong đó có 2 trường hợp nộp trễ hạn vì lý do chốt sổ bảo hiểm chậm nên hoàn chỉnh hồ sơ chậm, dẫn đến quá hạn quy định. Lỗi sai sót trong hồ sơ, thông tin sai lệch, không trùng khớp cũng khiến cho người lao động bị mất quyền lợi. Nguyên nhân của tình trạng này là do người lao động chưa nắm rõ các quy định về chế độ chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thậm chí nhiều doanh nghiệp, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, hoặc hỗ trợ các thủ tục cho người lao động để được hưởng chế độ chưa kịp thời nên khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, người lao động còn lúng túng trong việc đăng ký, hoàn chỉnh hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, khi quá hạn người lao động phải chịu thiệt thòi.
Một vướng mắc nữa trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là có đến 90% người lao động khi chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không có nhu cầu tìm việc làm mới, học nghề, do vậy công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề đạt thấp. Hàng tháng, số lao động đang được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp cũng không đến Trung tâm để tư vấn việc làm…
Rõ ràng, tham gia bảo hiểm thất nghiệp là một việc làm “lợi cả đôi đường”. Tuy nhiên, là chính sách mới nên có những vấn đề phát sinh. Để chính sách trên thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực, rất cần có sự chung tay góp sức từ nhiều phía, trong đó, ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách, doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc thực hiện, hỗ trợ kịp thời người lao động các thông tin, trình tự thủ tục cần thiết và bản thân người lao động cũng phải chủ động trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, tránh thiệt thòi vì những lý do không đâu.
Lê Hòa