Kinh tế

Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cũng như các đô thị khác, TP. Pleiku cũng có những đặc trưng rất riêng và làng truyền thống là nét độc đáo của Phố núi. Để tránh những hệ lụy trong quá trình đô thị hóa, ngay từ khi bắt đầu quy hoạch, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị không gian làng truyền thống cần được tính tới. Bởi đây không đơn thuần chỉ là vấn đề quy hoạch mà còn là vấn đề nhân văn và gìn giữ bản sắc dân tộc của đồng bào các dân tộc thiểu số.
 

Ảnh: Nguyễn Ngọc Hòa

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà-Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh thì phần lớn các làng trong khu vực đô thị Pleiku đều được định cư, xây dựng từ thế kỷ XIX đến trước thời Pháp thuộc. Làng Kép, làng Ro đã hình thành từ những năm 1930, một số buôn làng bị Pháp và Mỹ dồn từ vùng ven về khu vực đô thị để định cư… Tất cả những làng này đều được quy hoạch xây dựng theo kiểu truyền thống của từng dân tộc và được hình thành trước khi hoặc cùng với lịch sử hình thành đô thị. Do vậy, tất cả những làng này đều thực sự gắn bó với quá trình hình thành phát triển của đô thị, nằm trong cơ cấu quy hoạch của đô thị. Chính những ngôi làng này đã góp phần làm nên sắc thái đô thị “Phố núi” cho Pleiku.

Hiện tại, TP. Pleiku có 42 làng, trong đó có 39 làng dân tộc Jrai, 3 làng dân tộc Bahnar. Dưới tác động của cơ chế thị trường và tốc độ đô thị hóa, hệ thống làng truyền thống đã có sự biến động sâu sắc và đã bị mai một rất nhiều, nhiều làng cơ cấu dân số bị phá vỡ, có làng tỷ lệ người Kinh chiếm đến 50% hay như việc xây dựng nhà ở cũng không còn giống như truyền thống, số lượng nhà cao tầng ngày càng nhiều, thậm chí có làng có những tòa nhà cao đến 7 tầng.

Quá trình đô thị hóa đã xâm hại một cách thô bạo đến làng truyền thống, một số làng đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Hiện có đến 20/42 làng (chiếm gần 50%) được đánh giá xếp hạng cần được tôn tạo, bảo tồn và phát huy. Trong đó, 2 làng được đánh giá là có nhiều giá trị như làng Ốp (phường Hoa Lư) và làng Brel (xã Biển Hồ) và 18 làng còn lại thuộc loại tương đối có giá trị như làng Brut Ngok, làng O Sơr, làng Phung 1, làng Phung 2, làng Khuol, làng Tiên…

Thực tế hiện nay việc quy hoạch hay bảo tồn làng truyền thống hầu như chưa được quan tâm và chưa có định hướng rõ ràng. Một số làng có điều kiện làm du lịch thì chỉ dừng lại ở mức độ đầu tư nhỏ lẻ như bán hàng lưu niệm, tổ chức các chương trình biểu diễn văn nghệ quy mô nhỏ. Ngay những cư dân trong làng cũng bị cuốn vào cơ chế thị trường và mặt trái của quá trình đô thị hóa, đại bộ phận thiếu ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của làng, nhất là thế hệ thanh niên hiện nay.

 

Công viên Diên Hồng (TP. Pleiku) nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Ngọc Hòa

“Nếu cứ để tình trạng như hiện nay, chỉ một thời gian không xa nữa, chúng ta sẽ không còn được thấy những làng truyền thống đầy bản sắc nằm giữa lòng đô thị Pleiku nữa”-Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Hà trăn trở. Theo Kiến trúc sư thì việc duy trì các làng truyền thống trong các đô thị sẽ tạo nên tính đặc trưng địa phương. Đây là tính độc đáo, riêng có của một đô thị. Để làm được điều này thì chúng ta cần tạo các khu ở thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống trong đó. Các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong thành phố cần được bảo tồn, tôn tạo và phát triển theo quan điểm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên gắn với việc xây dựng phát triển đô thị và du lịch một cách hài hòa. Trong quy hoạch cần dành quỹ đất để phát triển các làng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc đô thị. Bảo tồn và phát huy bản sắc kiến trúc truyền thống của các dân tộc, xây dựng các làng còn nhiều giá trị thành làng văn hóa kiểu mẫu, gắn với việc phát triển du lịch…

Vấn đề trên cũng được nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước quan tâm. Nói như Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đặng Văn Bài-Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam thì: “Hồn cốt” của “Phố núi” Pleiku được cấu thành bởi 2 thành tố quan trọng đó là hệ sinh thái nhân văn đô thị do con người tác động, thích nghi, cải tạo thiên nhiên hoặc xây dựng các công trình kiến trúc mới nhằm tạo lập một không gian sinh tồn có tổ chức theo yêu cầu của con người, xã hội và sắc thái văn hóa dân gian phong phú đa dạng của cộng đồng đa dân tộc cùng chung sống lâu đời trên mảnh đất Pleiku. Theo đó, việc quy hoạch TP. Pleiku phải đặt mục tiêu lưu giữ “Hồn cốt Phố núi” để chuyển giao cho thế hệ mai sau và kế thừa có chọn lọc phục vụ nhu cầu cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Pleiku hôm nay.

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm