Kinh tế

Nông nghiệp

Bảo vệ đất lúa và đảm bảo lợi ích cho người trồng lúa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong khi nhiều loại cây trồng có xu hướng biến chuyển theo cơ chế thị trường, tỉnh Gia Lai đã có chủ trương và thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ đất lúa và đảm bảo lợi ích cho người trồng lúa. Hiện nay trong toàn tỉnh đã phát triển được hơn 62.000 ha đất trồng lúa, tăng 4.500 ha so với năm 2008, trong đó diện tích lúa nước 2 vụ chiếm 25.500 ha, tập trung nhiều nhất ở địa bàn thị xã Ayun Pa, các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Đak Đoa...

Tăng cường Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

 

Được mùa lúa Đông Xuân trên cánh đồng Ayun Hạ. Ảnh: Văn Nguyên
Được mùa lúa Đông Xuân trên cánh đồng Ayun Hạ. Ảnh: Văn Nguyên

Nhằm bảo vệ lợi ích cho người trồng lúa, trong 5 năm qua, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi để duy trì và phát triển diện tích trồng lúa theo quy hoạch. Đã có 40 công trình thủy lợi được đầu tư làm mới và sửa chữa nâng cấp, hơn 200 km kênh mương đã được kiên cố hóa, cơ bản đảm bảo nguồn nước tưới cho toàn bộ diện tích lúa nước 2 vụ. Theo đó là các loại giống lúa mới đã được nghiên cứu và khẳng định dần đưa vào thay thế các loại giống lúa cũ thoái hóa, biến chất đáp ứng yêu cầu tăng năng suất và chất lượng hạt gạo tốt hơn. Người trồng lúa không lo mất mùa, mức thu nhập từ hạt lúa cũng cao hơn so với trước và khá ổn định, nhất là ở vùng trọng điểm lúa trong vùng tưới Ayun Hạ. Năm 2013, riêng ngành trồng trọt của tỉnh đạt tổng giá trị gần 8.000 tỷ đồng (giá so sánh 1994), tăng 39% so với năm 2008, trong đó giá trị về lương thực chiếm phần lớn.

Theo đó, tỉnh đã làm tốt công tác quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp theo từng loại cây trồng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của từng vùng và hình thành nên các vùng chuyên canh có quy mô lớn, trong đó có cánh đồng lúa nước 2 vụ tập trung ở vùng tưới Ayun Hạ hơn 10.000 ha. Đồng thời, tích cực vận động nông dân hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đổi đất lúa sang sản xuất các loại cây trồng khác và đất phi nông nghiệp, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số không để quỹ đất hoang hóa. Ở huyện Ia Grai đang triển khai thực hiện đề án khai hoang, phục hóa đưa vào trồng lúa nước 2 vụ hàng trăm ha trong 2 năm (2014-2015) với tổng nguồn kinh phí hơn 10 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 8,5 tỷ. Đây là quỹ đất nông nghiệp có điều kiện trồng lúa nước, song do tập tục lạc hậu nên bà con dân tộc đã bỏ hoang hóa từ nhiều năm nay không đưa vào sản xuất.

Đảm bảo cho người trồng lúa có lãi trên 30%

 

Hệ thống kênh mương kiên cố ở vùng tưới Ayun Hạ. Ảnh: Văn Nguyên
Hệ thống kênh mương kiên cố ở vùng tưới Ayun Hạ. Ảnh: Văn Nguyên

Đi đôi với việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trong nông dân, nhằm đảm bảo cho người trồng lúa có lãi trên 30% so với tổng mức đầu tư trên một đơn vị diện tích. Trước đây người trồng lúa chỉ có mức lãi khoảng 21%, có nghĩa là mỗi vụ trồng lúa chỉ thu lãi được 5 triệu đồng/ha trên tổng mức đầu tư 23,5 triệu đồng/ha. So với thu nhập từ một số loại cây trồng ngắn ngày khác thì cây lúa có mức lãi thấp hơn nhiều như: bắp lai lãi 9 triệu đồng/ha/vụ, mía 13 triệu đồng/ha/năm, mì 12 triệu đồng/ha/năm...

Nhiều chính sách đã được tỉnh triển khai thực hiện có kết quả, đảm bảo cho người trồng lúa thực sự có lãi trên 30% trên cơ sở giảm mức chi phí đầu vào và tăng năng suất lúa. Trong 2 năm (2012-2013), tỉnh đã thực hiện chủ trương miễn thu thủy lợi phí trong nông dân đối với toàn bộ diện tích 25.500 ha lúa nước cả 2 vụ Đông Xuân và vụ mùa, với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng. Hỗ trợ 47 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để mua 530 tấn giống lúa và 3.350 tấn phân bón các loại cấp cho không các đối tượng là hộ nghèo, già làng, trưởng thôn và hộ chính sách. Nông dân còn được hưởng lợi từ đồng vốn đầu tư của Chính phủ cho việc bảo vệ đất trồng lúa và hỗ trợ cho người sản xuất lúa 36,5 tỷ đồng. Nhằm đảm bảo nâng cao năng suất lúa, tỉnh cũng đã chú trọng triển khai thực hiện các dự án phát triển giống lúa năng suất-chất lượng cao.

Thực hiện cơ giới hóa phục vụ canh tác và thu hoạch lúa, tỉnh cũng đã hỗ trợ hàng chục máy cày, máy gặt cho nông dân, chủ yếu ở các vùng sâu, vùng xa và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh hiện có tổng diện tích gieo trồng cây lúa 62.000 ha, trong đó lúa nước vụ Đông Xuân 25.500 ha, lúa mùa 38.500 ha và lúa cạn gần 10.000 ha. Tổng số hộ trực tiếp tham gia trồng lúa trên địa bàn (kể cả các hộ thuộc nơi khác đến thuê mướn) có gần 200.000 hộ, bình quân mỗi hộ có hơn 0,23 ha đất trồng lúa. Sản lượng thóc sản xuất hàng năm được khoảng 340.000 tấn, quy ra bình quân đầu người đạt khoảng 253 kg thóc/năm. Thực tế này cho thấy, sản xuất lúa gạo ở Gia Lai không phải là thế mạnh bởi sản lượng lúa thương phẩm không nhiều mà chủ yếu để giải quyết vấn đề an ninh lương thực tại chỗ.

Ông Kpă Thuyên-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trong những năm tới, diện tích trồng lúa trên địa bàn sẽ tiếp tục được bảo vệ và sẽ còn tăng hơn nữa, nhất là khai thác quỹ đất nông nghiệp trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo quy hoạch và hướng phấn đấu, trước mắt đến năm 2015 toàn tỉnh đạt tổng diện tích đất trồng lúa gần 67.000 ha, trong đó diện tích lúa nước 2 vụ tăng lên 33.000 ha; và đến năm 2020 đạt 72.500 ha, trong đó diện tích lúa nước 2 vụ là 34.000 ha.

Văn Nguyên

Có thể bạn quan tâm