Bất cập bảng giá đất ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù Luật Đất đai năm 2003 quy định giá đất được UBND tỉnh công bố hàng năm sử dụng cho 7 mục đích, giá đất phải nằm trong khung giá Chính phủ và nhất là phải sát với giá thực tế. Nhưng hiện bảng giá đất không chỉ chưa sát với thực tế (chỉ mới đạt chừng trên dưới nửa giá thị trường), mà qua các năm còn thể hiện trên bảng giá không thay đổi mấy, thậm chí giá năm sau y hệt năm trước, dù giá đất hiện nay biến động mạnh qua từng thời điểm.

Việc xác định khung giá đất trên thị trường cần phải dựa vào một cơ sở nhất định, thường là phải qua lộ trình điều tra, khảo sát giá đất, xác định giá của thửa đất và loại đất cần định giá để làm căn cứ xây dựng bảng giá các loại đất. Theo đó, khung giá do UBND tỉnh ban hành phải được điều chỉnh hàng năm hoặc khi có biến động giá liên tục từ 2 tháng trở lên.

Tuy nhiên, nhìn sơ qua bảng giá đất các năm, có thể nhận thấy hầu như không có sự thay đổi về giá, dù rằng thời gian qua, những biến động của kinh tế thị trường, sự lên xuống thất thường của thị trường bất động sản khiến giá đất có thể thay đổi hàng tháng, thậm chí hàng ngày. Bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành so với giá thực tế có một sự chênh lệch khá “khủng”.

 

Đường Hùng Vương, TP. Pleiku.

Đơn cử có thể nói tới như bảng giá đất TP. Pleiku, giá đất mặt tiền các tuyến đường chính như Hùng Vương, Hai Bà Trưng… có giá thực tế chừng 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng/m2, đường Trần Phú khu vực trung tâm có thể lên tới 100 triệu đồng/m2, nhưng trong bảng giá đất do UBND tỉnh công bố thì có giá thấp từ 3 đến 5 lần giá thực. Và con số này không hề thay đổi từ năm… 2010 đến nay. Hay đường Cách Mạng Tháng Tám đoạn từ ngã ba Hoa Lư đến hết dải phân cách, giá đất hiện tại vào khoảng 16 triệu đồng/m2, gấp đôi so với bảng giá.

Tất nhiên, theo Nghị định 17/2006/NĐ-CP, Nghị định 123/2007/NĐ-CP và Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ thừa nhận cơ chế hai giá  đất là giá đất theo khung giá UBND tỉnh ban hành công bố hàng năm phục vụ mục đích tính thuế và hợp thức hóa quyền sử dụng đất cho công dân; còn giá đất khi giao đất, cho thuê đất, bồi thường… cho phép UBND cấp tỉnh có thể linh hoạt điều chỉnh mức giá phù hợp với giá đất trên thị trường theo từng thời điểm. Song cơ chế “thoáng” này vẫn thực sự không phát huy được hiệu quả như mong muốn.

Bởi song song đó là sự phức tạp trong quản lý đất đai, tạo sự không thống nhất giữa quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất, thông tin của thị trường bất động sản bị bóp méo khiến công tác quản lý nhà nước gặp không ít khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, khiếu kiện kéo dài. Mà như đã ví dụ ở trên, hiện tại, sự chênh lệch giữa hai hệ thống giá đất này là khá lớn, điều đó đồng nghĩa với sự phức tạp cũng càng lớn.

Một người dân đang có nhu cầu mua đất cho hay: “Trước khi mua, tôi có tham khảo ý kiến những người xung quanh, ai cũng bảo giá đất các tuyến đường lớn giờ khó mà rờ tới, nhưng tôi lò dò khảo giá qua mạng thì thấy đất những đường lớn có giá khoảng 20 triệu đồng/m2, giá năm 2012, nên nghĩ giá thị trường có cao hơn bảng giá thì cũng cao đủ để mình có thể mua được. Nhưng khi đi hỏi thực tế thì… suýt ngất vì giá “chát” hơn nhiều quá”. Rõ ràng việc đổi mới hệ thống quản lý giá đất phù hợp với thị trường là cần thiết và phải bắt đầu bằng việc xây dựng cơ chế quản lý đối với hệ thống dịch vụ định giá đất. Bởi đó chính là nơi cung cấp giá đất xác định theo thị trường cho cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu thẩm định về giá đất.

Thêm vào đó, nhiều người dân cho rằng, nếu có điều chỉnh về quy hoạch sử dụng đất, thay đổi về vị trí đất, mục đích sử dụng đất thì chỉ nên điều chỉnh cục bộ nhằm đảm bảo tính ổn định, tránh gây lãng phí không cần thiết. Riêng một cán bộ Tài nguyên và Môi trường lại nêu ý kiến: “Cần phải có quy định cụ thể về việc xác định giá đất thị trường; thời điểm và phương pháp xác định giá thị trường theo từng mục đích sử dụng. Trường hợp vẫn tồn tại 2 hệ thống giá như từ trước tới nay thì giá đất do UBND tỉnh quy định nên thực hiện ổn định trong một khoảng thời gian dài nhất định, có thể là 3 hoặc 5 năm”.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm