(GLO)- Để triển khai chương trình cho vay đối với hộ mới thoát nghèo từ ngày 5-9-2015, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam-Chi nhánh tỉnh đã dành riêng 30 tỷ đồng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng. Theo dự kiến ban đầu, với mức vay bình quân 25 triệu đồng/hộ thì sẽ có khoảng 1.200 hộ mới thoát nghèo được tiếp cận với dòng vốn tín dụng ưu đãi này.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam-Chi nhánh tỉnh thực sự đã phát huy hiệu quả và trở thành một trong số công cụ xóa đói giảm nghèo, góp phần đáng kể vào mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Từ nguồn vốn vay các chương trình tín dụng như: hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh-sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn... đã tiếp thêm nguồn lực tài chính cũng như khuyến khích, động viên hàng ngàn hộ gia đình nghèo và gia đình chính sách khác chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn để tự lực cải thiện đời sống, thoát khỏi nghèo đói. Thông qua công tác khảo sát, đánh giá hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong thực tế cho thấy, chỉ riêng giai đoạn 2003-2012, toàn tỉnh đã có 41.271 hộ nghèo cải thiện được đời sống, 67.380 hộ thoát nghèo, 32.706 hộ chưa cải thiện được điều kiện sống. Từ năm 2013 đến nay, bình quân mỗi năm có hơn 7.000 hộ được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Mức cho vay tối đa đối với hộ mới thoát nghèo là 50 triệu đồng/hộ, mức vay bình quân từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng/hộ tùy thuộc vào nhu cầu, phương án sử dụng vốn vay. Lãi suất cho vay bằng 125% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. |
Nhằm tiếp tục duy trì nguồn lực hỗ trợ về tài chính đối với hộ mới thoát nghèo, tránh nguy cơ tái nghèo vẫn còn hiện hữu vì thiếu vốn duy trì lao động sản xuất, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 21-7-2015 về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Đối tượng được áp dụng là hộ gia đình đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo; qua điều tra-rà soát hàng năm có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành, được UBND xã xác nhận và thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 5-9-2015 và được thực hiện giải ngân đến hết ngày 31-12-2020. Trên cơ sở này, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã kịp thời có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với hộ mới thoát nghèo, đảm bảo triển khai chương trình trên toàn quốc.
Trao đổi thêm về chương trình mới này, ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam-Chi nhánh tỉnh cho biết: Hiện nay, hầu hết các xã, phường trên địa bàn tỉnh đang đẩy nhanh việc lập danh sách hộ mới thoát nghèo, tổng hợp báo cáo UBND cấp huyện phê duyệt. Về phía ngân hàng, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng 30 tỷ đồng để cho vay khi khách hàng có nhu cầu. Theo thống kê sơ bộ hiện nay trên địa bàn tỉnh, dư nợ cho vay hộ nghèo đạt mức 1.050 tỷ đồng với 56.114 hộ dư nợ; dư nợ cho vay hộ cận nghèo là 436 tỷ đồng với 18.772 hộ dư nợ. Việc triển khai thêm một chương trình tín dụng dành riêng cho hộ mới thoát nghèo là vô cùng cần thiết, bởi nó sẽ góp phần giải tỏa được tâm lý e ngại thoát nghèo ở một bộ phận người dân, đồng thời mở ra cơ hội mới cho đối tượng này được tiếp cận dòng vốn chính sách để phát triển sản xuất kinh doanh.
Sơn Ca