Kinh tế

Tài chính

Bất ngờ với lợi nhuận "khủng" ở nhiều ngân hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù khó khăn do Covid-19, nhiều ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục báo lãi vượt kế hoạch đề ra trong năm 2021 và tỉ lệ nợ xấu giảm so với năm trước.

Đến ngày 9-1, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) là ngân hàng quốc doanh đầu tiên tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Theo đó, lãnh đạo VietinBank cho biết ngân hàng đã đạt và vượt các mục tiêu kế hoạch, đặc biệt với các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, huy động vốn, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và thu phí dịch vụ.

Đến cuối năm 2021, dư nợ tín dụng bình quân của VietinBank tăng 12,3% so với năm trước. Huy động vốn được cân đối tối ưu với tốc độ tăng trưởng tín dụng, chi phí vốn tiết giảm mạnh. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đại hội cổ đông đề ra (kế hoạch lợi nhuận năm 2021 là 16.800 tỉ đồng).

Đại diện VietinBank cho biết kết quả kinh doanh khả quan tạo nguồn lực để VietinBank tăng cường trích lập dự phòng rủi ro theo hướng thận trọng. Đáng chú ý, tỉ lệ nợ xấu được ngân hàng kiểm soát ở mức 1,3%. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện tích cực ở mức 171%, cao hơn so với năm 2020.

Năm 2021, VietinBank cắt giảm hơn 7.000 tỉ đồng lợi nhuận để cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.


 

Các ngân hàng thương mại bắt đầu công bố kết quả kinh doanh năm 2021


Một "ông lớn" ngân hàng thương mại nhà nước khác là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng vừa công bố những kết quả tích cực về hoạt động kinh doanh năm 2021.

Theo đó, trong năm 2021 BIDV đã giảm thu nhập hơn 7.900 tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch thông qua giảm lãi suất cho vay, giảm phí, cơ cấu lại nợ, đưa ra các gói tín dụng lãi suất ưu đãi...

Đến 31-12-2021, các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao. Tăng trưởng huy động vốn từ tổ chức, dân cư tăng 16,9%, dư nợ tín dụng tăng 11,8% so với năm trước. Nguồn vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng bền vững.

Lợi nhuận đạt kế hoạch năm 2021. Trước đó, đại hội cổ đông của BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận cả năm 2021 là 13.000 tỉ đồng.

Đáng lưu ý, tỉ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 0,81%, giảm gần một nửa so với năm trước. Tỉ lệ nợ nhóm 5 ở mức 0,42%, giảm 0,82 điểm % so với năm 2020. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 235%, mức cao nhất trong các năm gần đây.

Trong khi đó, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), vừa có thư gửi khách hàng, đối tác và cán bộ, người lao động, thông báo về việc Agribank đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh năm 2021.

Cụ thể, trong năm 2021, Agribank đạt lợi nhuận hơn 14.000 tỉ đồng, bảo đảm các tỉ lệ an toàn theo quy định. Trong hoạt động cấp tín dụng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế cả năm 2021 đạt 1,31 triệu tỉ đồng với gần 70% dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng "Tam nông" tại Việt Nam.

Agribank cũng điều chỉnh giảm lãi suất, phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trong đại dịch với tổng giá trị lên đến 7.000 tỉ đồng.

Ở khối ngân hàng cổ phần, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế 6.038 tỉ đồng, vượt hơn 4% so với kế hoạch đã đặt ra. Bên cạnh nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng tăng gần 65% so với cùng thời điểm cuối năm trước, đạt trên 1.500 tỉ đồng.

TPBank là một trong số ít ngân hàng được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng ở mức cao 23,4% trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 12%-14% năm 2021. Đại diện ngân hàng cho biết đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ bao gồm cả các khoản nợ tiềm ẩn, nợ cơ cấu theo các quy định mới tại Thông tư 11 và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước. Tỉ lệ nợ xấu của TPBank được cải thiện và duy trì ở mức 0,9%.

 

Kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại và tỉ lệ nợ xấu được công bố đến thời điểm này được nhận định là khá bất ngờ, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài thời gian qua và bức tranh chung của ngành ngân hàng là tỉ lệ nợ xấu gia tăng đáng kể trong đại dịch.

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống sẽ khoảng 7,31% (trong khi cuối năm 2020 là 5,08%).


Theo Thái Phương. (NLĐO/Ảnh: Lam Giang)

Có thể bạn quan tâm