Phóng sự - Ký sự

Bẫy ảnh thú quý trên non cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bốn mươi máy bẫy ảnh động vật hoang dã sau thời gian lắp đặt trong rừng ở Quảng Trị đã thu được kết quả hết sức bất ngờ. Đây là tư liệu rất quan trọng để xây dựng phương án bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã một cách hữu hiệu
Đang đêm, điện thoại của tôi bỗng đổ chuông. Đầu dây bên kia, giọng ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bắc Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), hớn hở: "Anh em đi tháo máy bẫy ảnh động vật rồi. Kết quả ngoài sự mong đợi". Tiếng một người khác chen vào, hồ hởi không kém: "Cả đàn thú quý nha. Loài này có trong cả Sách đỏ thế giới".
Tỉ mẩn thiết lập trong rừng
Hóa ra, cả đêm hôm ấy, ông Hoan cùng các nhân viên của mình rã những hình ảnh mà máy bẫy ảnh động vật ghi lại. Bốn mươi máy bẫy ảnh kỹ thuật số thuộc dòng hiện đại nhất sau gần 3 tháng đặt trong rừng bước đầu đã cho kết quả khả quan. Đó là hàng chục ngàn bức ảnh, video về quá trình di chuyển, kiếm thức ăn của động vật hoang dã trong lâm phần Khu BTTN Bắc Hướng Hóa quản lý.
Sở dĩ đang đêm ông Hoan gọi điện thoại thông báo là bởi 3 tháng trước, tôi được đơn vị này cho phép đi theo đặt bẫy ảnh. Dịp ấy, đoàn gồm 4 người. Khu vực đặt bẫy ảnh ở đỉnh Sa Mù với độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển. Đoàn do anh Trần Văn Hùng, phụ trách Phòng Khoa học kỹ thuật và Hợp tác quốc tế, dẫn đầu. Đây là lần đầu tiên sau hơn 10 năm thành lập, Khu BTTN Bắc Hướng Hóa trực tiếp thực hiện các công đoạn bẫy ảnh động vật, thông qua sự hỗ trợ của Trung tâm BTTN Việt.
Hành trang mà nhân viên khu bảo tồn mang theo trong chuyến đi khá lỉnh kỉnh, gồm võng, xoong nồi, gạo, thức ăn khô, máy bẫy ảnh kỹ thuật số, máy định vị GPS, đèn pin, băng keo, dây cao su, dao quắm... Chúng khiến những chiếc balô mang theo căng tròn, nặng trịch. Dọc đường đi, anh Hùng phấn khởi cho hay loại máy bẫy ảnh động vật sử dụng lần này là máy ảnh hồng ngoại thông qua cảm biến thân nhiệt nên hiện đại, nhỏ gọn, có thể hoạt động trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Đặc biệt, máy bẫy ảnh này sử dụng hệ thống cảm biến kép với 2 cảm biến camera. Chúng được ví như những đôi "mắt thần" trong rừng, có thể chụp ảnh, ghi hình 24/24 giờ.

Đường lên đỉnh Sa Mù, nơi cao trên 1.000 m so với mực nước biển
Sau gần 2 giờ leo núi vất vả, chúng tôi đến khu vực được chọn để đặt máy bẫy ảnh. Đó là một khu rừng kín thường xanh, địa hình thoải dốc yên ngựa, ở đây cao độ được xác định là hơn 1.200 m so với mực nước biển. Anh Hùng bảo các vị trí đặt bẫy ảnh này không phải ngẫu nhiên mà đã được xác định kỹ lưỡng. "Trước khi thực hiện chuyến đi, chúng tôi mất nhiều ngày nằm rừng để theo dõi sự hiện diện và dấu vết động vật để lại. Ngoài ra, anh em cũng về từng thôn bản để điều tra các loài động vật dựa trên tin báo, lời kể của cư dân bản địa. Từ đó, xác định khu vực động vật thường xuất hiện để đặt máy bẫy ảnh phù hợp" - anh Hùng giải thích.

 
Thạc sĩ Trần Đăng, viên chức Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, nói đầy "chuyên môn" rằng nơi đặt bẫy ảnh phải thông thoáng và không có các vật cản ở phía trước góc chụp của máy. Nếu có cỏ, cây thì phải phát dọn sạch sẽ để tạo trường ảnh có bán kính khoảng 5 m. "Các bẫy ảnh phải được thiết lập theo phương thẳng đứng, hướng camera được bố trí vuông góc với hướng mặt trời mọc và lặn. Các bẫy ảnh được cố định vào những thân cây thẳng, độ cao đặt máy khoảng 20-60 cm so với mặt đất. Từ đó, trường ảnh có thể ghi hình với khoảng cách từ 1-5 m. Bất kể loài động vật nào khi di chuyển qua trường ảnh cũng sẽ lọt vào ống kính" - thạc sĩ Đăng nói.

Nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh động vật trong lâm phần quản lý
Hôm đó, từng máy bẫy ảnh được tỉ mẩn thiết lập trong rừng. Có máy nằm gần nhau nhưng cũng không ít máy được đặt cách nhau vài cây số. Sau khi cố định máy bẫy ảnh trên thân cây, nhân viên Khu BTTN Bắc Hướng Hóa một lần nữa kiểm tra lại tình trạng hoạt động của máy. Họ ghi chép tỉ mỉ các thông tin liên quan thời gian, vị trí, môi trường xung quanh để giám sát, theo dõi. Bước cuối cùng là sử dụng máy định vị GPS cầm tay để xác định tọa độ nơi đặt máy bẫy ảnh để tránh thất lạc "mắt thần".
Ngỡ ngàng, vui sướng
Sau gần 3 tháng, Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đã tiến hành tháo bẫy ảnh. Tất cả 40 máy đều còn nguyên vẹn và đã ghi hình được 25 loài động vật hoang dã. Đặc biệt, có cả các loài thuộc nhóm IB, IIB (theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP) và nhiều động vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới (IUCN) như khỉ mặt đỏ, thỏ vằn, gà lôi trắng, voọc chà vá chân nâu, voọc gáy trắng cùng nhiều loài chim, chồn, cầy, lợn rừng... Một kết quả mà ngay cả cán bộ, nhân viên Khu BTTN Bắc Hướng Hóa cũng phải ngỡ ngàng, vui sướng!
Cũng trong đợt bẫy ảnh này, hàng chục video đã ghi lại cảnh từng đàn động vật thuộc nhiều thế hệ di chuyển qua trường ảnh. Trong đó có đàn khỉ mặt đỏ thuộc diện nguy cấp, quý hiếm nằm trong Sách đỏ thế giới, lên tới hàng chục con. Chúng thong dong kiếm ăn, đùa giỡn nhau. Nhiều con còn đến gần và tỏ ra tò mò trước ống kính máy ảnh.

 
"Lâu nay, nhiều người vẫn nói rừng bảo tồn chỉ còn cái vỏ, không còn động vật quý hiếm nữa. Nhưng họ đâu biết có những cái mình không thể công bố mà âm thầm tập trung bảo vệ, bảo tồn" - ông Hà Văn Hoan nói, đồng thời khẳng định kết quả của đợt bẫy ảnh này là một tư liệu quan trọng để xây dựng kế hoạch, phương án tuyên truyền, bảo vệ. Từ kết quả này, đơn vị sẽ kêu gọi các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các quỹ bảo tồn liên quan cùng chung tay phối hợp bảo tồn hữu hiệu động vật hoang dã.
Theo ông Hà Văn Hoan, Khu BTTN Bắc Hướng Hóa có diện tích hơn 23.000 ha, gồm 5 xã phía Bắc huyện Hướng Hóa, được đánh giá là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, độ che phủ rừng gần 93%, nhiều kiểu sinh cảnh, thảm thực vật, nhiều loài động vật quý hiếm. Nơi triển khai đặt bẫy ảnh vừa qua chỉ là một khu vực nhỏ trong lâm phần do đơn vị quản lý.

Khỉ mặt đỏ nguy cấp, quý hiếm xuất hiện qua bẫy ảnh trong khu vực rừng thuộc lâm phần Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa quản lý
"Theo thống kê, tổng số loài thực vật ghi nhận của khu bảo tồn tính đến năm 2020 là 1.295 loài, trong đó có 156 loài thực vật nguy cấp, quý hiếm, cần ưu tiên bảo vệ. Về khu hệ thú, năm 2019 ghi nhận 110 loài thuộc 30 họ, 10 bộ. Trong đó có 38 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 33 loài trong Sách đỏ thế giới, 39 loài trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP; ngoài ra còn có các loài cá và bò sát lưỡng cư" - ông Hoan thông tin.
Ngoài những loài động vật nguy cấp, quý hiếm kể trên, tại lâm phần của Khu BTTN Bắc Hướng Hóa từng nhiều lần ghi nhận sự xuất hiện của bò tót. Trước đó, vào năm 2017 đã ghi nhận 1 con bò tót nặng trên 700 kg tại khu vực rừng giáp ranh với tỉnh Quảng Bình.
Chỉ một thời gian sau, người dân thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa trình báo có một đàn bò lạ gồm 3 con xuất hiện trong rừng bảo tồn, gần biên giới nước Lào. Căn cứ những mô tả của người dân và dấu vết, mẫu phân để lại, Khu BTTN Bắc Hướng Hóa bước đầu khẳng định đó chính là bò tót. Ở địa bàn xã vùng sâu này, bằng chứng để khẳng định có sự hiện diện của bò tót chính là những chú bò nhà to lớn khác thường - "F1" của bò tót và bò nhà.
"Chúng tôi xác định có ít nhất 2 quần thể bò tót đang sinh sống tại núi Pa Thiên - Voi Mẹp và khu vực rừng bảo tồn thuộc địa bàn thôn Cù Bai. Qua theo dõi, có một quần thể bò tót gồm 3 cá thể thường xuyên xuất hiện, trong đó có 1 bò tót con. Để có cơ sở khẳng định chính xác, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ theo dõi, truy vết bò tót để tiến hành đặt máy bẫy ảnh ghi hình" - ông Hoan cho biết. 
Minh chứng rừng được bảo vệ tốt
Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, khẳng định kết quả bẫy ảnh động vật của Khu BTTN Bắc Hướng Hóa là minh chứng cho thấy rừng được quản lý, bảo vệ tốt, đa dạng sinh học tăng. Đây là cơ sở để tiếp tục điều tra, khảo sát, đánh giá toàn diện tính đa dạng sinh học của Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, từ đó làm cơ sở để quy hoạch, xây dựng thành vườn quốc gia theo định hướng của tỉnh.
"Trước mắt, chúng tôi đã đề nghị Khu BTTN Bắc Hướng Hóa tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, cộng đồng sống gần rừng tuân thủ luật lâm nghiệp, không săn bắt động vật hoang dã trái phép. Về lâu dài, sẽ có phương án, giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy bền vững giá trị mà các hệ sinh thái tiêu biểu mang lại" - bà Phương nói.
Bài và ảnh: ĐỨC NGHĨA (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm