Kinh tế

“Bay” cùng lãi suất ngân hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Liên tục trong nhiều ngày qua, lãi suất huy động và cho vay trên thị trường luôn ở mức cao. Từ mức huy động 12%/năm khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản, đến nay có ngân hàng lên đến 14,5%, kéo theo lãi suất cho vay đã ở mức trên 18%/năm.
Khởi đầu là các Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á, Á Châu, An Bình, Dầu Khí, Sacombank… đến nay gần như các tổ chức tín dụng đều tăng lãi suất huy động vốn lên mức cao. Ngoài lãi cao, các ngân hàng còn ra sức khuyến mãi, tặng quà cho khách hàng. Song mức tăng vẫn tập trung ở khối các ngân hàng cổ phần, với hình thức niêm yết nhưng sau đó là thỏa thuận tùy vào mức tiền gửi của khách hàng nhiều hay ít mà đưa ra mức lãi hấp dẫn hơn.
Trong 2 tuần vừa qua, lãi suất huy động đã liên tục thay đổi theo chiều hướng tăng, từ 12%/năm lên 12,5%/năm, sau đó là 13%/năm và đến nay đã lên đến 14,5%/năm. Theo nhiều ngân hàng, đây là tín hiệu tốt để thu hút nguồn vốn từ dân cư nhằm đảm bảo vốn cho vay thời điểm cuối năm. Lãi suất huy động tăng cũng phần nào bù đắp cho người gửi tiền trong bối cảnh giá cả hàng hóa liên tục tăng.
Tuy nhiên, hiện nay một số ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang rất khó khăn về nguồn vốn. Ông Trần Văn Thiên-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) thừa nhận: “Vốn hiện đang rất kẹt, ngân hàng vẫn tiếp nhận hồ sơ của khách hàng vay mới, nhưng ưu tiên giải quyết cho những khách hàng đã ký hợp đồng trước đó”.
Hoạt động cho vay của Ngân hàng Đông Á cũng trong tình hình tương tự. Được biết, đơn vị đang tạm dừng cho vay với các khoản vay mới, trong khi đó Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển thì ngưng các khoản vay tiêu dùng… Nguồn vốn cuối năm của các ngân hàng thương mại rất căng thẳng nên nhiều hình thức huy động hấp dẫn được áp dụng. Khi lãi suất huy động cao đã đẩy lãi suất cho vay tăng, doanh nghiệp vay sẽ bị đội giá thành sản xuất, dẫn đến tăng giá bán hàng hóa ra thị trường. Ngược lại, khi lãi quá cao, doanh nghiệp e ngại không dám vay, buộc thu hẹp sản xuất kinh doanh, dư nợ tín dụng của ngân hàng bị chững lại. Lãi cao gây áp lực lớn đối với các cá nhân, doanh nghiệp đang vay. Hiện các Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương, Công thương, Đầu tư và Phát triển có mức cho vay là 16-17%/năm, Sacombank 18%/năm, Á Châu 18%/năm, Đông Á 18%/năm, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT 16-18%/năm... Lãi suất cho vay đang dao động trong khoảng 16-18%/năm, tăng rất nhiều so những tháng trước.
Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm