Chính trị

Tin tức

"Bày tỏ lòng yêu nước bằng cách hoàn thành tốt nhất việc mình đang làm"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Nhân dịp Phó Giáo sư-Tiến sĩ-Thiếu tướng Lê Văn Cương-nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an có buổi nói chuyện thời sự về tình hình biển Đông, thế giới và khu vực cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong tỉnh, phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông xung quanh vấn đề này.

- P.V: Xin Phó Giáo sư cho biết nguyên nhân Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

 

 

PGS LÊ VĂN CƯƠNG: Về nguyên nhân Trung Quốc rút giàn khoan trước 1 tháng theo dự kiến của họ là vấn đề cả thế giới đang quan tâm và nghiên cứu. Nói chung, các học giả thế giới chỉ phán đoán, thông qua các hành vi của Trung Quốc để dự báo chứ không ai có khả năng nói chính xác được.

Với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi cho rằng có 2 yếu tố thúc đẩy Trung Quốc rút giàn khoan trước 1 tháng. Thứ nhất, xuất phát từ mục đích Trung Quốc kéo giàn khoan vào địa điểm này không phải vì kinh tế, không phải vì khai thác dầu mỏ mà chẳng qua là phép thử về chính trị và an ninh, xem Việt Nam và cộng đồng quốc tế phản ứng thế nào. Nếu như vậy, họ đã đạt mục đích. Phản ứng của Việt Nam đã bộc lộ rõ. Sau 25 năm chúng ta tương đối im lặng, không phản đối gì cả lần này ta đã phản đối. Trong bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất rõ ràng, mạch lạc. Phản ứng của cộng đồng quốc tế họ cũng đã biết. Đỉnh cao nhất là ngày 10-7-2014, Thượng viện Mỹ thông qua Nghị quyết 412 về biển Đông.

Yếu tố thứ hai thúc đẩy Trung Quốc rút, đó là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra từ ngày 8 đến 10-8-2014 tại Myanmar và một loạt Hội nghị  ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Bộ trưởng các nước Đông Á, Hội nghị diễn đàn an ninh Đông Á (ARF). Nếu giàn khoan còn kéo dài đến 15-8, chắc chắn diễn đàn của các hội nghị này sẽ nóng lên, tạo một diễn đàn về thế giới phê phán và lên án Trung Quốc. Theo binh pháp Tôn Tử “rút củi dưới nồi”, Trung Quốc rút trước để đến Hội nghị này không có gì phê phán Trung Quốc nữa.

- P.V: Xu thế của sự việc tranh chấp biển Đông sắp tới và hướng ứng xử của ta như thế nào, thưa Phó Giáo sư?

 

Ảnh: Nguyễn Dung
Ảnh: Nguyễn Dung

PGS LÊ VĂN CƯƠNG: Về tranh chấp trên biển Đông, chúng ta có 2 nhận định. Thứ nhất, âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc không bao giờ thay đổi, họ chỉ thay đổi phương thức, thủ đoạn mà thôi. Thứ hai, tranh chấp biển Đông cực kỳ phức tạp. Các tranh chấp về biển đảo trên hành tinh này thì tranh chấp biển Đông là phức tạp nhất. Vì các lý do: là tranh chấp mất cân bằng nhất; biển Đông có lợi ích của tất cả các cường quốc trong và ngoài khu vực, không có một tranh chấp biển đảo nào trên thế giới có đặc điểm này cả, bởi đây là đường hàng hải nhộp nhịp nhất thế giới; tranh chấp biển Đông gắn với một loạt điểm nóng như: chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tranh chấp Nhật Bản và Hàn Quốc ở Takeshima-Dokdo, tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở Senkaku-Điếu Ngư, eo biển Đài Loan-Trung Quốc; tranh chấp biển Đông diễn ra trong bối cảnh thế giới (mà thực chất là Mỹ) chuyển trọng tâm chiến lược từ châu Âu-Đại Tây Dương sang châu Á-Thái Bình Dương nên càng làm cho việc tranh chấp biển Đông trở nên cực kỳ khó khăn, phức tạp, lâu dài, khó giải quyết.

Trong bối cảnh như vậy, xu hướng tranh chấp trên biển Đông sẽ diễn ra 3 kịch bản. Thứ nhất, Trung Quốc không gây hấn nữa mà ngồi lại với các nước ASEAN để bàn thảo, đi đến thỏa thuận về Quy tắc ứng xử COC. Như vậy, biển Đông sẽ lặng sóng, tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực đều được hưởng lợi. Đây là kịch bản tốt nhất mà Việt Nam và cộng đồng thế giới theo đuổi. Nhưng khả năng xảy ra là rất thấp vì Trung Quốc không bao giờ từ bỏ âm mưu độc chiếm biển Đông.

Thứ hai, kịch bản xấu nhất là chiến tranh xảy ra. Trung Quốc huy động lực lượng hải quân, không quân, tên lửa đánh Việt Nam, Philippines độc chiếm biển Đông. Có thể làm được điều này nhưng Trung Quốc sẽ mất cả thế giới. Vì thế, tôi cho rằng kịch bản này chưa thể xảy ra, ít nhất là đến năm 2020.

Thứ ba, Trung Quốc thực hiện chính sách không đánh mà thắng. Kịch bản này đang diễn ra. Có nghĩa là Trung Quốc không dùng vũ khí lớn mà dùng biển người, đưa hàng trăm, hàng ngàn tàu cá vào đánh cá ở vùng biển Việt Nam; đưa hàng chục giàn khoan vào khoan thăm dò dầu khí ở vùng biển Việt Nam. Song song với đó, họ tiếp tục bơm cát xây dựng đảo nhân tạo Gạc Ma, đưa người lên ở, tiếp tục xây đảo Chữ Thập; triển khai vùng nhận diện hàng không…. Những leo thang của Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng, tranh chấp biển Đông càng ngày càng căng thẳng, nhưng nói chung vẫn nằm trong vòng kiểm soát được.

Về ứng xử của ta, tôi cho rằng muốn bảo vệ chủ quyền biển đảo, Việt Nam phải mạnh cả về kinh tế, chính trị nội bộ, toàn dân đoàn kết xung quanh Đảng và Nhà nước, mở rộng quan hệ đối ngoại, tạo nên sự xen kẽ, đan xen lợi ích giữa Việt Nam và thế giới để hạn chế hoạt động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc. Song song với đó, chúng ta vẫn phải chuẩn bị hồ sơ để nếu cần thiết có thể khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.

- P.V: Xin cảm ơn Phó Giáo sư!

Nguyễn Dung (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm