Tổng Bí thư nhấn mạnh cương lĩnh là ngọn cờ chiến đấu của Đảng. Bối cảnh quốc tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam đòi hỏi Đảng ta phải giữ vững định hướng, đồng thời bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 cho phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở Việt Nam là xây dựng xong về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá phù hợp, tạo cơ sở làm cho Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh. Từ nay đến khoảng giữa thế kỷ 21, toàn Đảng, toàn dân phải ra sức phấn đấu xây dựng Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Khẳng định những thành tựu to lớn và rất quan trọng mà đất nước ta đã đạt được sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2001-2010, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ quan điểm phát triển Chiến lược 10 năm 2011-2020 là: Phát triển nhanh gắn liền với bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược và quá trình thực hiện Chiến lược; đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thực hành dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển; phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học- công nghệ ngày càng cao, đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chính trị- xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữa vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau. Chiến lược đề ra hệ thống các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể và xác định các định hướng phát triển.
Tổng Bí thư chỉ rõ để đạt được mục tiêu tổng quát, các tiêu chí, chỉ tiêu chủ yếu và các định hướng phát triển, phải tập trung thực hiện tốt các đột phá chiến lược như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại...
Về việc tổng kết thi hành điều lệ Đảng, Tổng Bí thư chỉ rõ đây là một vấn đề quan trọng và cần thiết trong nhiệm vụ xây dựng Đảng về tổ chức. Đảng ta là Đảng cầm quyền, việc xây dựng và củng cố tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở gắn liền với quá trình xây dựng và củng cố hệ thống chính trị của chế độ mới do Đảng lãnh đạo. Thông qua tổng kết thực tiễn mà phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định trong Điều lệ Đảng cho phù hợp với quy luật phát triển và yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới.
Đề cập về phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn Cách mạng mới là vấn đề đặc biệt quan trọng và là vấn đề then chốt của nhiệm vụ xây dựng Đảng. Để có Ban Chấp hành Trung ương mạnh, đòi hỏi công tác nhân sự Đại hội XI của Đảng phải làm sao đạt mục tiêu chung là lựa chọn, giới thiệu và bầu được những đồng chí thực sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác, luôn luôn kiên định mục tiêu lý tưởng cao cả của Đảng ta, nhân dân ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trong khi nhấn mạnh tiêu chuẩn là chính, cần bảo đảm có sự hài hòa trong cơ cấu của Ban chấp hành Trung ương. Xây dựng Ban Chấp hành Trung ương có cơ cấu hợp lý nhằm bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các địa bàn, các lĩnh vực và các vị trí công tác quan trọng; bảo đảm sự kết hợp hợp lý giữa ba độ tuổi trong Ban chấp hành Trung ương, có tỷ lệ thích đáng các đồng chí trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, có các đồng chí xuất thân từ công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức.
Tổng Bí thư cũng cho rằng quy trình giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương là khâu quan trọng, cần được thực hiện một cách khoa học, bảo đảm dân chủ, chính xác, khách quan và trách nhiệm..., nhằm tập hợp được trí tuệ, trách nhiệm của Ban Chấp hành khóa X và cán bộ, đảng viên trong việc giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa tới.
Theo TTXVN