* Chiều 23-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã họp phiên bế mạc.
Tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, đánh giá đánh giá kết quả Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII; cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án Nhân dân và một số dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tám như Luật kiểm toán Nhà nước (sửa đổi); Luật ban hành văn bản pháp luật; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Bộ luật dân sự (sửa đổi)…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi); thông qua Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2015 của các cơ quan Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Tại buổi làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.
Thông qua Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát môi trường của Ủy ban Quốc phòng-An ninh và cho rằng báo cáo đã tiếp thu, làm rõ đầy đủ nhiều nội dung góp ý tại Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với 100% ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự án Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.
Như vậy, Pháp lệnh Cảnh sát môi trường gồm 5 chương, 20 điều quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát môi trường; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cảnh sát môi trường là lực lượng chuyên trách thuộc Công an Nhân dân thực hiện chức năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường; chủ động, phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tài nguyên và an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường.
Cơ bản tán thành nội dung Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII
Cũng trong phiên làm việc buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã đánh giá kết quả Kỳ họp thứ tám; cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII.
Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí với báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII của Văn phòng Quốc hội và cho rằng: Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.
Chương trình kỳ họp được sắp xếp khoa học, cơ bản hợp lý, bảo đảm đúng quy trình, phù hợp thực tế và tính chất, yêu cầu của từng nội dung. Cách thức tổ chức kỳ họp tiếp tục được cải tiến, bảo đảm trình tự, thủ tục và chất lượng xem xét, quyết định các nội dung.
Công tác chỉ đạo, điều hành sâu sát, linh hoạt, khoa học, bảo đảm tập trung dân chủ, hướng thảo luận vào những vấn đề trọng tâm, những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Kết luận của các phiên thảo luận tại hội trường ngắn gọn, súc tích, khái quát được những vấn đề lớn đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, tạo thuận lợi cho công tác tiếp thu, chỉnh lý.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, tại Kỳ họp thứ tám, công tác thông tin, tuyên truyền đã có nhiều cải tiến và đổi mới, bảo đảm kịp thời, sinh động, tăng cường thời lượng phát thanh, truyền hình trực tiếp, thông tin đầy đủ về diễn biến kỳ họp tạo điều kiện thuận lợi để cử tri cả nước theo dõi...
Một số ý kiến khác cho rằng, việc tổ chức Kỳ họp thứ tám vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được rút kinh nghiệm như số lượng dự án luật trình Quốc hội lớn, công tác chuẩn bị có nội dung chưa thật sự chu đáo. Việc chuẩn bị tài liệu của một số dự án, báo cáo chưa bảo đảm tiến độ, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, tham gia ý kiến của đại biểu Quốc hội và chất lượng kỳ họp...
Đặc biệt, một số phiên họp vắng nhiều đại biểu Quốc hội, dẫn đến ảnh hưởng nhất định đến chất lượng thảo luận, kết quả biểu quyết thông qua một số nội dung.
Về chương trình kỳ họp sắp tới, các ý kiến cơ bản tán thành với Tờ trình chuẩn bị kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII của Văn phòng Quốc hội.
Theo đó, dự kiến kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII làm việc 28,5 ngày. Trong đó, phần lớn thời gian, Quốc hội xem xét các nội dung về công tác xây dựng pháp luật (11 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết); các vấn đề kinh tế-xã hội, giám sát và những vấn đề quan trọng khác.
Theo Chinhphu.vn