Khu di tích An Lũy, dấu tích còn lại của thời Tây Sơn lập nghiệp vẫn còn ở An Khê (Gia Lai). Nằm trong quần thể ấy là những ngôi nhà cổ đã có gần 300 năm tuổi. Nhiều thế hệ con cháu sống trong ngôi nhà này, đang từng ngày, từng giờ bảo vệ tài sản quý báu mà bao đời trước đó để lại. Vào dịp Xuân về nhiều người dân An Khê tìm đến đây, thắp nén hương với lòng ngưỡng vọng các bậc tiền nhân và cầu mong cho sự bình yên…
Linh thiêng nhà cổ…
Nhiều cuối năm, trời An Khê se lạnh, chúng tôi đã tìm đến chủ nhân của ngôi nhà cổ để hiểu thêm về nét kiến trúc cũng như tâm tư của hậu thế, những người giữ tài sản cho muôn đời sau.
Năm nay, đã hơn 85 tuổi nhưng trông ông Bùi Meo, ở phường An Phú vẫn còn minh mẫn. Biết tôi muốn tìm hiểu về ngôi nhà cổ của mình, ông vui vẻ nhận lời. Nhìn bên ngoài thì ngôi nhà này cũng như bao ngôi nhà tranh ở thôn quê, thế nhưng vừa đẩy cánh cửa dày vào thì trước mắt tôi là những hình chạm trỗ, những cây cột lá kèo… dấu tích bàn tay tài hoa của những người thợ gần 300 năm trước.
Ông Bùi Meo đang lau chùi ngôi nhà. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Về tổng thể, nhà được kiến trúc theo lối tam đoạ, ba gian hai chái, dài khoảng 16 mét, ngang 8 mét với 6 vì, mỗi vì gồm 5 hàng cột ngang, 6 hàng cột dọc. Tất cả đều bằng lõi gỗ thò đo-một loại gỗ rất hiếm. Kèo và xà đều uốn hình rồng, đầu chạm rồng. Xà gồ tròn liền cây, đều bằng gỗ kiền kiền. Ba gian ngoài cách biệt với gian trong bằng cửa ngăn. Các gian giữa bàn pha, bạo xổ, dây sen bằng gỗ tứ thiết.
Không chạm trổ cầu kỳ, chỉ trang trí bằng gờ, chỉ nổi nhưng đã gần 300 năm mà hệ thống gờ mộng vẫn rất khít... Một đặc sắc nữa là mái lợp liên hệ thống xà gồ rất dày (mỗi mái có tới 15 hàng) người ta lợp một lớp vỏ cây kiền kiền rồi đắp lên lớp đất sét nhuyễn trộn với rơm, sau đó mới lợp tranh. Điều đặc biệt là ngôi nhà này đã có hàng trăm năm tuổi nhưng chủ nhân của nó mới chỉ lợp lại mái ngói vào năm 1959, còn lại vẫn giữ nguyên được hiện trạng ban đầu.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đây ở An Khê có gần 10 ngôi nhà cổ như thế này, nhưng vì thời gian và chiến tranh, giờ chỉ có ngôi nhà của cụ Bùi Meo và ông Huỳnh Ngọc Chương là còn khá nguyên vẹn.
Giữ lại cho muôn đời sau…
Chủ nhân của 2 ngôi nhà cổ trên đều đã qua tuổi bát tuần, nhưng họ đều chung một ước nguyện sẽ giữ cho ngôi nhà này được tồn tại mãi cho muôn đời sau. Trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc nhiều ngôi nhà ở An Khê bị cháy hoặc bị giặc phá, nhưng 2 ngôi nhà cổ này vẫn sừng sững cùng thời gian.
Ngôi nhà cổ của ông Huỳnh Ngọc Chương nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Hàng ngày, chủ nhân nhà cổ cùng con cháu lau chùi, dọn dẹp để hàng cột, lá kèo hay tấm bài vị và những thứ trong ngôi nhà cổ không dính bụi. Có lẽ cũng chính đều này mà những ngôi nhà ấy vẫn nguyên vẹn theo thời gian. Mỗi câu chuyện mà chủ nhân của ngôi nhà kể cho tôi nghe đều phảng phất đâu đây tình yêu nước, lòng căm thù giặc kết tinh từ những ngôi nhà này.
Người cán bộ cách mạng kiên trung của đất An Khê là Đỗ Trạc cũng đã từng sống trong ngôi nhà của cụ Bùi Meo. Cũng từ việc đó mà hàng năm, mỗi khi Xuân về các võ sinh của miền đất An Khê lại tìm về nhà cụ múa võ biểu diễn, thắp nén hương tri ân các bậc tiền nhân. Các em học sinh ở An Khê vào những giờ ngoại khóa được thầy cô dẫn đến đây để tìm hiểu thêm truyền thống giữ đất, mở cõi của cha ông xưa.
Khi tôi ra về, cụ Bùi Meo nắm chặt tay và dặn rằng: Đầu Xuân này mời anh về An Khê sẽ được gặp nhiều người ghé tới đây để thắp hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân. Và khi ấy, trống hội Tây Sơn sẽ nổi lên để các võ sinh biểu diễn võ thuật, tiếp tục thắp sáng truyền thống giữ đất, giữ làng, bảo vệ quê hương của cha ông xưa…
Vĩnh Hoàng