Bạn đọc

Bệnh "ăn cắp" giờ công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lâu nay, câu chuyện cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) “ăn cắp” giờ công để làm việc riêng như: đi muộn về sớm, cà phê, chơi games, tán gẫu bạn bè…  không phải là chuyện hiếm, chuyện lạ. Nó đã trở thành một căn bệnh dai dẳng, khó chữa; dù vô tình hay cố ý, việc đánh cắp thời gian làm việc sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác và tác phong, uy tín của CBCCVC.

Căn bệnh khó chữa

Theo quy định, thời gian làm việc một ngày bình thường của các CBCCVC là 8 giờ/ngày, sáng từ 7 giờ đến 11 giờ, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ. Đó là quy định của Nhà nước, còn  thực tế, việc thực hiện đúng hay không lại là chuyện của mỗi cơ quan, mỗi người.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu thử đi một vòng quanh các tuyến đường chính tại TP. Pleiku vào buổi sáng, mặc dù đã 7 giờ 30 phút nhưng vẫn có nhiều CBCCVC la cà ở các quán ăn sáng. Thậm chí, không ít người ăn sáng xong cầm điện thoại gọi thêm bạn bè vào quán cà phê nhâm nhi một lúc mới trở về cơ quan. Buổi trưa, khoảng 10 giờ 30 phút, nhiều người mặc đồ công sở vô tư đến các quán nhậu, nhà hàng. Theo tìm hiểu của P.V, lý do của tình trạng “ăn cắp” này thì vô vàn, có thể là tiếp khách, gặp gỡ đối tác, bạn bè…

Ngoài ra, một số chị em phụ nữ còn tranh thủ thời gian ở công sở để đi “lùng” đồ xổ, giao hàng bán qua mạng cho khách. Đáng nói hơn, để tránh bị phát hiện hay có cơ hội nhanh chân “trốn thoát” nếu bị bắt gặp, nhiều người thay vì đi xe máy thì đến quán cà phê, quán nhậu bằng... taxi, xe ôm. Việc “ăn cắp” giờ hành chính lâu nay đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.

Ngoài ra, ở chính nơi làm việc, việc lạm dụng giờ công để làm việc riêng cũng diễn ra khá phổ biến. Dù vẫn có mặt tại cơ quan làm việc đủ 8 tiếng mỗi ngày, nhưng có làm đúng việc hay không lại là một vấn đề khác. Đàn ông có thể tập trung lại để uống cà phê, hút thuốc, bàn về bữa nhậu chiều qua hay các trận bóng đá. Phụ nữ thì tụ tập ăn vặt, bàn chuyện thời trang, con cái. Nếu không tụ tập thì ngồi tám chuyện trên mạng xã hội facebook, chơi games, “buôn” điện thoại đến mức nóng máy hay tranh thủ kinh doanh bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Là một người khá bận rộn với công việc, chị T., đang công tác tại một cơ quan nhà nước trên địa bàn TP. Pleiku chia sẻ: Là công chức nhà nước, hàng tháng lương ai cũng lãnh đủ, cuối năm bình bầu xếp loại thì ai cũng hoàn thành 100% nhiệm vụ. Tuy nhiên, nếu ngồi đủ 8 tiếng trên cơ quan mà không làm hết trách nhiệm thì cũng vô ích; người làm nhiều, người làm ít nhưng mức lương vẫn như nhau, sự không công bằng dễ dẫn đến thái độ ganh ghét, đố kị.

Đâu là giải pháp?

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong thời gian qua, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính về thực hiện thời gian làm việc và văn hóa công sở của CBCCVC tại các cơ quan, đơn vị và địa phương được thực hiện tương đối tốt; ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, năng suất, chất lượng hiệu quả công tác được nâng lên... Tuy nhiên, qua theo dõi, hiện nay tình trạng CBCCVC tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc về kỷ luật, kỷ cương hành chính; hiệu quả sử dụng thời gian làm việc chưa cao, vẫn còn tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về sử dụng thời giờ làm việc (đi làm muộn, về sớm, nghỉ tranh thủ giải quyết việc riêng…) xảy ra khá phổ biến, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác và tác phong, uy tín của CBCCVC. Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 30-3-2015, UBND tỉnh đã có Công văn số 981/UBND-NC về việc chấn chỉnh kỷ cương hành chính, thời gian làm việc của CBCCVC và người lao động ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Ông Võ Quốc Hùng-Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Mỗi tháng, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh gồm đại diện Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất 1 đến 2 lần trong giờ hành chính, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc ở trong cơ quan để nắm bắt việc chấp hành quy chế, giờ giấc làm việc của CBCCVC; đa số những trường hợp vắng mặt ở cơ quan đều có lý do. Tuy nhiên, ở ngoài cơ quan, công tác kiểm tra cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi tỉnh ta có hàng ngàn CBCCVC, khó có thể theo dõi hết được. Và khi phát hiện có đoàn liên ngành kiểm tra, các CBCCVC đều bỏ chạy để tránh bị ghi hình.

Đề cập đến giải pháp chấn chỉnh hành vi, đạo đức và tác phong làm việc CBCCVC hiện nay, ông Hùng cho biết thêm: “CBCCVC có thực hiện nghiêm chỉnh giờ giấc làm việc hay không là do lãnh đạo các cơ quan, đơn vị. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo, nhắc nhở việc thực hiện nghiêm các quy định của CBCCVC; kiểm tra đột xuất để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật không nghiêm”. Hiện nay, có khá nhiều cơ quan đang thực hiện tốt việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của CBCCVC. Đơn cử như Tỉnh Đoàn, là cơ quan với những chức năng đặc thù, ngoài thời gian hành chính, phần lớn các CBCCVC của Tỉnh Đoàn đều tham gia rất nhiều hoạt động phong trào và hầu hết các chương trình đều tổ chức vào buổi tối hoặc các ngày thứ bảy, chủ nhật. Vì thế, thời gian làm việc rất căng thẳng và bận rộn. Chia sẻ về vấn đề này, anh Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Tỉnh Đoàn luôn quán triệt cho tất cả CBCCVC của cơ quan về quy chế làm việc, quy định chấp hành giờ giấc làm việc và các vi phạm trong giờ hành chính. Đồng thời, việc thực hiện đúng, đủ nội quy sẽ là một tiêu chí để xét nâng lương, đề bạt và bình xét danh hiệu thi đua của từng cá nhân, tập thể; có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, việc phân bổ, xây dựng lịch làm việc cụ thể cho từng phòng ban, từng CBCCVC sẽ tránh được việc người làm ít, người làm nhiều. Có như vậy, CBCCVC mới nỗ lực, cố gắng chấp hành đúng quy định.

Bên cạnh đó, việc các CBCCVC chưa đảm bảo thời gian làm việc một phần là do ý thức của từng cá nhân chưa cao. Những đợt kiểm tra đột xuất của các cơ quan liên ngành chỉ là một cách nhắc nhở, đánh động, được CBCCVC thực hiện theo kiểu đối phó. Còn kết quả và hiệu quả làm việc của CBCCVC đó như thế nào thì không thể nắm rõ. Muốn chấn chỉnh điều này, phải có biện pháp thay đổi ý thức của những người làm công ăn lương, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức, tác phong làm việc, nâng cao ý thức kỷ luật lao động.

Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm