Bệnh sốt rét vẫn diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo bác sĩ Phạm Gia Công-Giám đốc Trung tâm Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh thì Gia Lai vẫn là vùng trọng điểm sốt rét của cả nước. Vì thế công tác phòng-chống sốt rét trên địa bàn toàn tỉnh được đẩy mạnh.

“Chúng ta có đầy đủ nguồn hóa chất, màn, thuốc điều trị và trang-thiết bị phục vụ cho công tác phòng - chống sốt rét. Chương trình mục tiêu quốc gia phòng-chống sốt rét tiếp tục được triển khai. Ngoài ra, dự án phòng-chống sốt rét quỹ toàn cầu triển khai cho 13 huyện (trừ TP. Pleiku, thị xã An Khê, Ayun Pa và huyện Phú Thiện) năm qua phân bổ kinh phí về các địa phương đầy đủ (các huyện chỉ sử dụng hết khoảng 86% kinh phí)”-bác sĩ Công nhấn mạnh.
 

Cán bộ y tế tiến hành giám sát dịch tễ tại khu vực buôn Du, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa. Ảnh: Đ.P
Cán bộ y tế tiến hành giám sát dịch tễ tại khu vực buôn Du, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa. Ảnh: Đ.P

Trong năm 2013, toàn tỉnh triển khai 2 đợt phòng-chống sốt rét. Đợt I vào tháng 4 và tháng 5 tiến hành phun tồn lưu hóa chất Fendona 10 CS tại 33.826 nhà dân ở 37 xã thuộc 11 huyện, dân số được bảo vệ là 127.332 người, đạt tỷ lệ 98,4%. Đợt II triển khai vào tháng 9 và tháng 10 tiến hành cấp màn và tẩm 225.818 chiếc màn bằng hóa chất ICON 2,5CS tại 155 xã thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Dân số được bảo vệ là 456.455 người, đạt tỷ lệ 87%.

Tuy nhiên, tình hình sốt rét vẫn diễn biến phức tạp. Theo ghi nhận, số bệnh nhân mắc sốt rét có giảm (trong 11 tháng năm 2013 đã có 3.832 bệnh nhân sốt rét được điều trị tại các cơ sở y tế, giảm 234 bệnh nhân so với năm 2012; có 3 người bị sốt rét ác tính (năm 2012 có 6 người). Tuy nhiên, một số địa phương có số bệnh nhân tăng cao. Đặc biệt, tại huyện Krông Pa, tình hình bệnh sốt rét diễn biến phức tạp. Năm 2013, huyện Krông Pa có 2.072 bệnh nhân sốt rét, tăng 287 người so với năm 2012. Tại tất cả 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có bệnh nhân mắc sốt rét. Trong đó, xã Chư Rcăm có số bệnh nhân mắc sốt rét nhiều nhất (272 người).

Đáng chú ý, so với năm 2012, một số xã có số bệnh nhân tăng đột biến như: Ia Rsươm tăng 134,3% (150 bệnh nhân), Chư Ngọc tăng 113,7% (109 bệnh nhân), Ia Rsai tăng 60% (109 bệnh nhân) và Phú Cần tăng 60% (140 bệnh nhân). Nguyên nhân là do người dân thường đi rừng, ngủ rẫy. Ở nhiều làng khi đến mùa sản xuất gần như toàn bộ người dân đều ngủ ở trên rẫy. Có một thực tế là có nhiều gia đình mang theo màn vào rẫy nhưng lại không chịu ngủ màn. Chính ý thức tự phòng-chống bệnh sốt rét của người dân chưa đạt yêu cầu là nguyên nhân của việc gia tăng bệnh nhân sốt rét trong mấy năm gần đây.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Công, đối với địa bàn trọng điểm sốt rét Krông Pa sẽ phải tiến hành khảo sát lại, tính toán lại thời điểm biến động của số lượng bệnh nhân sốt rét ở từng xã để triển khai các biện pháp phòng-chống, nhất là biện pháp tẩm màn và phun hóa chất diệt muỗi. Sẽ có xã triển khai trước, hoặc sau tùy vào số lượng bệnh nhân chứ không triển khai đồng loạt như lâu nay. Đồng thời tiếp tục tăng cường vai trò của đội ngũ cán bộ y tế huyện, xã và nhân viên y tế thôn trong việc vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng-chống sốt rét và giám sát dịch tễ, phát hiện sớm bệnh nhân sốt rét để điều trị kịp thời, không để xảy ra sốt rét ác tính và tử vong.

Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương, thường xuyên vận động, tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về phòng-chống sốt rét. Mỗi người dân khi đi rừng, ngủ rẫy phải ngủ trong màn và nếu bị sốt thì phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xét nghiệm và điều trị kịp thời.   

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm