Bệnh tim có kiêng "chuyện ấy"?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều người bệnh tim mạch cứ nghĩ mình phải kiêng hẳn “chuyện ấy”, hoặc rất ngại ngùng khi chia sẻ về một số trục trặc khi sinh hoạt tình dục. Có người lại gắng sức duy trì “yêu nhau” như người khỏe mạnh. Đây đều là những quan niệm sai lầm.

Mới đây, trong một lần quan hệ với vợ, ông N.H.D. - 48 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM - đã lên cơn đau tim đột ngột, ngạt thở, mặt mày tím tái. Ông D. được người nhà nhanh chóng đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược. Tại đây, ông được chẩn đoán suy tim mức độ 2 do bệnh động mạch vành.

Hiểu cơ thể để "yêu nhau"

Các bác sĩ đã tích cực hồi sức và cứu sống được ông D.. Sau khi phục hồi, ông được bác sĩ thông báo về tình trạng bệnh của bản thân, đồng thời được tư vấn về chế độ sinh hoạt tình dục phù hợp, không cố quá sức.


 

 
Hoạt động tình dục đúng mức, phù hợp không những giúp duy trì chất lượng cuộc sống và tinh thần tích cực đối với người bệnh, mà còn giúp bảo vệ hạnh phúc gia đình và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.


Còn chị T.T.V. - 45 tuổi, ngụ Đồng Nai - đã phục hồi và giảm thiểu nguy cơ biến cố tim mạch xuống mức thấp sau khi được thực hiện thủ thuật can thiệp mạch vành tại Bệnh viện Đại học Y dược. Thế nhưng do lo sợ thái quá, chị V. đã dừng luôn chuyện phòng the với chồng vì cho rằng nếu làm chuyện đó sẽ khiến... bệnh tái phát nặng hơn.

Điều này đã khiến vợ chồng chị thường xuyên bất hòa, thậm chí chồng chị còn nói "bóng gió" sẽ ly hôn làm chị vô cùng đau khổ. Nhờ bạn bè động viên, giới thiệu, chị V. đã quyết định tìm đến bệnh viện để khám. Sau khi được các bác sĩ tim mạch tư vấn, chị V. đã trở lại cuộc sống thoải mái bên gia đình.

Theo các bác sĩ, tình dục không chỉ là việc giao hợp đơn thuần, mà là hoạt động liên quan trực tiếp đến nhịp tim và huyết áp. Vì vậy, đối với những người mắc bệnh tim mạch và huyết áp, khi "yêu nhau" cần được quan tâm chú ý và có chế độ sinh hoạt khác với người bình thường. Thế nhưng trong thực tế vấn đề nhạy cảm này rất ít được các bác sĩ tim mạch đề cập, tư vấn cho người bệnh.

Khi có trục trặc về sinh hoạt tình dục, phần lớn người bệnh tim mạch rất ngại ngùng, không đến khám tại các cơ sở y tế. Lúc đó, người bệnh có hai xu hướng: hoặc tìm cách giấu giếm tình trạng bệnh, cố gắng duy trì sinh hoạt tình dục như người khỏe mạnh, hoặc có những người bệnh lo sợ sinh hoạt tình dục sẽ làm bệnh nặng hơn lại "kiêng cữ" quá mức. Cả hai xu hướng này đều sai lầm vì người bệnh tim mạch hoàn toàn có thể sinh hoạt tình dục, nhưng cần có chế độ phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân để không gây ra những biến cố tim mạch.

Ba nhóm nguy cơ biến cố tim mạch

Dựa trên những khảo sát, nghiên cứu khoa học về hoạt động tình dục trên người bệnh tim mạch, năm 2015, một nhóm giáo sư, bác sĩ người Canada đã tạo ra mô hình KiTOMI giúp các bác sĩ tim mạch có thể đo lường, xếp loại các mức độ nguy cơ biến cố theo tình trạng sức khỏe của người bệnh. Từ đó đưa ra những tư vấn chuyên môn cũng như chế độ sinh hoạt tình dục phù hợp với từng đối tượng như hôn, âu yếm, yêu bằng miệng hay quan hệ.

Và dựa trên kết quả khám, xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chuyên khoa sẽ xếp loại người bệnh vào nhóm phù hợp (có 3 nhóm) và tư vấn cho người bệnh về mức độ sinh hoạt tình dục. Những thông tin này được các bác sĩ thông tin tại hội nghị khoa học "Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch hiện nay", do Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tổ chức vào ngày 3 và 4-11.

PGS.TS.BS Trương Quang Bình, phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược kiêm giám đốc Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược, khuyến cáo người bệnh tim mạch nên thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện những nguy cơ biến cố tim mạch có thể xảy ra. Đặc biệt đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động tình dục, người bệnh tim mạch càng không nên tự ý quyết định mức độ sinh hoạt trước khi có tư vấn chuyên môn của bác sĩ.

Thùy Dương (TTO)

Có thể bạn quan tâm