Cẩm nang ngày tết

Bí quyết tránh vung tay quá trán khi tiêu Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Câu hỏi "tiêu Tết bao nhiêu là vừa" không có một câu trả lời rõ ràng mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thu nhập của gia đình mỗi tháng là bao nhiêu, kinh tế hai nhà nội ngoại, các mối quan hệ xã hội nhiều thế nào. Nhìn chung, chi tiêu Tết ở các gia đình bao gồm 5 loại sau: chi phí mua thực phẩm, bánh kẹo và rượu bia; tiền và quà biếu hai bên nội ngoại; tiền mừng tuổi; tiền mua hoa, trang trí nhà cửa; sắm sửa quần áo mới, đồ dùng mới.

Trong đó, chi phí mua thực phẩm và tiền biếu hai bên gia đình thường "ngốn" nhiều nhất trong tổng chi tiêu trong dịp Tết. Chi phí mua thực phẩm bao gồm đồ để ăn trong mấy ngày Tết như bánh chưng, các loại thực phẩm để được lâu, dưa hành. Tiền mua hoa quả để thắp hương trong những ngày Tết cũng không rẻ vì dịp này các loại hoa quả đều tăng giá mạnh. Bánh kẹo, rượu bia dùng để đãi khách khi đến nhà cũng là những thứ không thể không mua.
 

Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Âm lịch, các bà nội trợ bắt đầu lên kế hoạch sắm Tết tiết kiệm.

Về tiền biếu ông bà, truyền thống của gia đình Việt là mỗi khi Tết đến, các đôi vợ chồng thường có những khoản tiền biếu hai bên gia đình, thay vì ngược lại. Còn các ông bà thường chỉ tốn tiền mừng tuổi cháu chắt. Tùy thuộc vào khả năng kinh tế, số tiền biếu này có thể chỉ mang tính tượng trưng, hoặc nhiều đủ để các ông bà sắm Tết. Ngoài ra, chi phí mua hoa về cắm, đào quất về chưng cũng tốn hàng triệu đồng.

Để có một cái Tết tiết kiệm, các bà nội trợ rỉ tai nhau một số biện pháp như sau:

1. Nâng cao tinh thần "của nhà trồng được"

Truyền thống tự làm bánh chưng, mứt kẹo đang quay trở lại. Các bà nội trợ tự làm vừa để tiết kiệm hơn so với đi mua, vừa để bảo vệ gia đình trước các mối nguy về an toàn thực phẩm gần đây. Nhìn chung, hầu hết các loại thực phẩm ăn Tết đều dễ làm nếu chị em có thời gian, ví dụ như tự muối dưa hành, tự làm bánh quy, giò lụa, giò tai, mứt Tết các loại. Hướng dẫn cách làm những món ăn này đầy rẫy trên mạng và gần như ai cũng có thể làm được.

2. Lên danh sách những thứ cần mua và quyết không vượt ngân sách

Để sắm Tết tiết kiệm, các bà nội trợ cần liệt kê chi tiết những thứ cần mua, tổng chi phí trong phạm vi túi tiền. Danh sách nhằm ngăn ngừa tình trạng sa đà vào mua những thứ vô bổ, không cần thiết.

Thực tế cho thấy khi đi sắm Tết, các bà nội trợ dễ "hoa mắt" trước bạt ngàn sản phẩm cho Tết và dễ dàng có tâm lý "vung tay quá trán". "Một năm chỉ có một lần Tết thôi, không vấn đề gì" là suy nghĩ có thể khiến họ hối hận khi tổng kết chi tiêu vào ngày mồng 6 tháng Giêng. Ví dụ nếu nhà đã có một cái khay đựng mứt còn dùng tốt, chắc chắn bạn không nên mua một cái khay khác chỉ vì thấy nó đẹp hơn.

3. Tiêu chí "bớt và giản tiện"

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, lương ít, thưởng nhiều khi không có, các bà nội trợ áp dụng phương châm thắt lưng buộc bụng cho cả dịp Tết Âm lịch. Tiêu chí là "bớt được cái gì thì bớt, không thêm", loại bỏ những thứ không cần thiết từ năm ngoái. Ví dụ nếu năm ngoái mừng tuổi là 100.000 đồng, thì nay các gia đình có thể tiết kiệm bằng cách dùng loại tiền mệnh giá 50.000 đồng. Thay vì bỏ ra vài triệu đồng để mua một bình hoa ly lớn, gia đình có thể thay bằng các loại hoa rẻ hơn, hoặc chỉ cần một cành đào là đủ thấy không khí Tết.

Ngoài ra, hiện nay các chợ thường họp sớm từ mồng 2 Tết. Do đó, các bà nội trợ không cần chi quá nhiều tiền mua thực phẩm tích trữ, vừa gây tâm lý ngán ăn vừa tốn kém.

4. Đi sắm Tết sớm

Gần như tất cả các loại thực phẩm, đồ uống đều tăng giá vào dịp Tết. Nếu để sát ngày 30 tháng Chạp mới đi sắm đồ, các bà nội trợ dễ gặp cảnh hàng trăm ngàn đồng một nải chuối, hoặc giá bia tăng hàng chục phần trăm. Do đó, với những thứ có thể để được khá lâu như rượu bia, bánh kẹo, bạn cần sắm từ sớm.

Mai Thương (theo vnexpress)

Có thể bạn quan tâm