Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Biển đảo, nguồn cảm hứng thơ ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Biển đảo, một phần lãnh thổ vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc mang những dấu ấn lịch sử dựng nước và giữ nước sâu đậm của dân tộc ta, gắn với hình ảnh của những người lính, người dân đối mặt với sóng gió luôn là nguồn cảm hứng dạt dào vừa quen thuộc vừa mới mẻ của những văn nghệ sĩ.

Như bao thế hệ đi trước, người lính hôm nay gánh vác nghĩa vụ giữ gìn bảo vệ đất nước. Mang trong mình tình yêu Tổ quốc và cả tình yêu đôi lứa nồng nàn, những người lính biển ra khơi canh giữ bờ cõi: Đất nước gian nan chưa bao giờ bình yên/ Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng/ Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng/ Biển một bên và em một bên… (Thơ tình người lính biển - Trần Đăng Khoa). Biển đảo đấy, giữa thời bình đã mặn thêm bao nước mắt và máu của nhân dân và người lính.

 

Các chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa Lớn ca hát sau giờ tập luyện.

Anh Ngọc trong trường ca Điệp khúc vô danh đã có những đoạn thơ thăng hoa về biển. Gắn liền hình ảnh cánh buồm nâu như cái gạch nối mong manh nối biển với đất liền là Tổ quốc và nhân dân thân thương. Hình tượng đất nước và nhân dân chợt trở nên cao rộng, huyền ảo trong hải trình của cánh buồm trên biển lớn: Những cánh buồm đi dưới trăng thanh/ Đi lặng lẽ trong sương mờ cổ tích/ Buồm như thể chiếc lưỡi cày lật ngược/ Vạch ngang trời những luống trăng sao. Sự liên tưởng kỳ vĩ ấy gợi nhắc đến công việc quen thuộc bao đời của nông dân Việt Nam, những người đã dựng nên nền văn minh lúa nước trên dải đất cong cong hình chữ S này với bao thăng trầm vất vả không kể xiết cùng những khao khát ước mơ bay bổng mênh mang.

Không dừng lại ở đó, không bằng lòng với những gì đã có, đất nước Việt Nam đã, đang và sẽ vươn ra biển lớn với bản lĩnh và ước mơ “mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển”. Trong hành trình thăm thẳm đi về phía mặt trời lên, Tổ quốc đồng nghĩa, đồng hành với tình yêu và khát vọng của mọi người chúng ta: Để mỗi sáng, mỗi chiều như nỗi nhớ/ Tự chân trời Tổ quốc lại hiện lên… như Anh Ngọc đã cảm nhận, hình dung.

Nguyễn Thanh Mừng sau những thao thức, rung động về sự hy sinh của người lính hải quân thời bình đã dựng lên bài thơ Hào phóng thềm lục địa dài 110 câu, mang vóc dáng trường ca. Hình ảnh người chiến sĩ hải quân và những người thân của họ hiện lên thật sinh động và sáng đẹp: Những tiện nghi những ngôn từ những điều kiện sinh tồn tối thiểu của đời người/ Các anh cứ giản lược hồn nhiên/ Quen việc căng thân mình đầu sóng gió/ Quen cơn bão đánh tên bằng con số/ Tít một xóm làng còn có mẹ cha/ Những tóc bạc lặng thầm mỗi đêm giao thừa mỗi ngày kỵ giỗ/ Người vợ trên đất liền của anh phải biết cách làm thế nào để không hóa đá/ Đứa con trên đất liền của anh phải học cách chống chọi với sự trống trải của căn nhà thiếu đàn ông trước khi học chữ/ Người yêu trên đất liền của anh bần thần trước chiếc nhẫn đính hôn...

Trong trường ca Tổ quốc - Đường chân trời, Nguyễn Trọng Văn phác họa: Tổ quốc căng như một cánh buồm/ Thẳng hướng ra khơi/ Đất nước ta là chuyến đi dài/ Mấy ngàn năm không nghỉ… Đấy là một khái quát đẹp, tràn ngập cảm xúc yêu dấu và tự hào đủ cho ta có một hình dung về tâm thế, vị thế của Tổ quốc hôm nay.

Nguyễn Anh Vũ, tác giả trẻ chuyên viết văn xuôi nhưng cũng có bài thơ về Trường Sa thật độc đáo và xúc động: Mẹ vượt cạn/ sinh con/ cha vượt biển/ cùng đồng đội hành quân trên sóng/ có một phần con trong ba lô/ cha mang ra đảo/ Tổ quốc mình đâu cũng là quê mẹ/ chôn cuống rốn cho con/ cha chọn gốc phong ba…

Thanh Yến thật dễ thương hồn hậu với bài thơ Ngày về phép chấm phá chất lãng mạn của lính biển trong đời thường: Mặt anh kề mặt con/ Nhìn hoài chưa thấy đủ/ Lòng nôi con thiếp ngủ/ Cười mơ nhoẻn môi son/ Anh muốn đặt chiếc hôn/ Vào má con bụ sữa/ Chợt nhớ ra mấy bữa/ Dao cạo râu không còn/… Anh rời nôi xuống bếp/ Lửa reo vui bập bùng/ Có khách nồi thêm gạo/ Vung mở, òa khói thơm/ Ngày đầu tiên về phép/ Anh ngắm mãi con thơ/ Sắp sẵn lời khen vợ/ Em đẹp hơn bao giờ...

Biển đảo là đề tài không bao giờ vơi cạn của văn học, bởi từ xưa đến nay phần lãnh thổ thiêng liêng này gắn liền với số phận dân tộc. Từng hải lý, từng tấc đảo, Hoàng Sa, Trường Sa… là máu, mồ hôi của ông cha để lại. Tổ quốc thân yêu đã và đang hướng ra biến lớn. Người lính biển phải gánh gồng trách nhiệm giữ gìn biển đảo nặng nề hơn bao giờ hết. Văn học nói chung và thơ ca nói riêng không thể thờ ơ hay đứng ngoài những vấn đề lớn của dân tộc. Hành trình lịch sử của dân tộc và con đường thi ca chân chính chưa bao giờ tách biệt nhau với hạt nhân của nó là lòng yêu nước nồng nàn. Những bài thơ hay về biển đảo chính là mong mỏi, hy vọng của chúng ta trong đó có người chiến sĩ hải quân và nhân dân đang bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm