Sáng 11-11 tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 5 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” đã khai mạc. Tham dự Hội thảo có gần 200 đại biểu Quốc tế, các nhà Ngoại giao, Đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các nhà khoa học, nghiên cứu về Biển Đông tham dự Hội thảo.
Các đại biểu tham gia Hội thảo. |
35 đại biểu sẽ tham gia thuyết trình về các vấn đề: Những diễn biến gần đây tại Biển Đông; ASEAN và vấn đề Biển Đông; Quan hệ giữa các nước lớn và vấn đề Biển Đông; Luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 và vấn đề Biển Đông…
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Giáo sư Đặng Đình Quí- Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh ý nghĩa của Hội thảo Biển Đông. Ông cho rằng trong 5 năm qua kể từ Hội thảo Biển Đông lần thứ 1 diễn ra vào tháng 11-2009, tình hình Biển Đông có những thay đổi tích cực.
Theo đó, nhận thức của các bên liên quan và khu vực về vấn đề Biển Đông tăng lên. Cụ thể vấn đề Biển Đông không chỉ là trách nhiệm của các bên liên quan mà còn là trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Theo Giáo sư Đặng Đình Quí, trong 5 năm qua, từ thực tế ở khu vực Biển Đông đã có thêm cơ chế hợp tác song phương, đa phương trong việc kiềm chế những đối đầu nảy sinh. Đặc biệt ASEAN-Trung Quốc một mặt thực hiện tích cực Tuyên bố DOC, hướng tới xây dựng Bộ qui tắc Ứng xử Biển Đông (COC), tạo cơ sở pháp lý cho việc ngăn ngừa xung đột một cách hiệu quả tại Biển Đông.
Phó Tổng thư ký ASEAN Nyan Lynn đọc phát biểu dẫn đề của Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh. |
Với ý nghĩa đó, Giáo sư Đặng Đình Quí cho rằng vấn đề Biển Đông luôn luôn tiềm ẩn xung đột nếu thiếu vắng sự quan tâm của các bên liên quan và cộng đồng quốc tế trong đó có vai trò của nhà học giả.
Bài phát biểu đề dẫn của ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN do ông Nyan Lynn, Phó Tổng thư ký ASEAN trình bày, đã tập trung tới sự cần thiết của việc tạo dựng một Biển Đông hòa bình, ổn định vì lợi ích của các bên liên quan và thế giới.
Bài phát biểu đề dẫn đã khẳng định vị trí quan trọng, tiềm năng của khu vực Biển Đông. Biển Đông có nhiều tài nguyên, là hệ thống giao thông huyết mạch, có vị trí chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính vì vậy, những tranh chấp xung quanh khu vực Biển Đông đã ảnh hưởng tới an ninh, hòa bình của khu vực.
Để giải quyết vấn đề này, các bên liên quan, ngoài nhận thức rõ về vấn đề Biển Đông, cần thiết phải liên tục chia sẻ lợi ích và trách nhiệm trong việc xây dựng Bộ qui tắc Ứng xử Biển Đông (COC). COC sẽ trở thành qui tắc pháp lý có tính chất ràng buộc giữa các bên liên quan cụ thể là ASEAN và Trung Quốc.
Sau phiên khai mạc, đại diện các đại biểu quốc tế, các nhà khoa học đã tiến hành các phiên thảo luận theo chủ đề.
Giáo sư Carlyle Thayer, trường Khoa học Nhân văn và Xã hội, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia với bài tham luận liên quan tới diễn biến ở Biển Đông năm 2013 đã xem xét diễn biến chính ảnh hưởng tới hợp tác an ninh khu vực ở Biển Đông như tiến bộ đạt được trong lập trường chung của ASEAN về COC, vai trò của Biển Đông trong mối quan hệ song phương giữa các bên liên quan…
Hội thảo lần này là dịp trao đổi, tăng cường hiểu biết về lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; đề xuất các biện pháp tăng cường an ninh và hợp tác cũng như giải pháp cho các tranh chấp ở Biển Đông.
Hội thảo sẽ kết thúc ngày 12-11.
Theo VOV