Kinh tế

Biển Hồ trở thành xã nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Biển Hồ (TP. Pleiku) là một trong 6 xã điểm của tỉnh đã đạt được các tiêu chí về nông thôn mới.

Biển Hồ là xã vùng ven nằm ở phía Bắc TP. Pleiku, có tổng diện tích tự nhiên hơn 1.977 ha. Toàn xã có 1.934 hộ với 7.830 nhân khẩu, phân bổ trên 10 thôn, làng (5 làng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 23% dân số toàn xã). Biển Hồ là một trong 2 xã của TP. Pleiku được tỉnh chọn thực hiện thí điểm xây dựng mô hình xã nông thôn mới, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp đô thị hiện đại, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
 

Nhà sinh hoạt cộng đồng làng Brel. Ảnh: L.N

Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chưa ổn định. Việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhân rộng các mô hình khuyến nông còn nhiều hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng chưa hiệu quả. Thiết chế văn hóa các thôn, làng thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu sinh hoạt. Điều kiện kinh tế có hạn nên việc vận động nhân dân tham gia đóng góp cùng với Nhà nước xây dựng các công trình trên địa bàn cũng gặp khó khăn... Rà soát hiện trạng so với bộ tiêu chí, xã Biển Hồ đạt được 14/19 tiêu chí, 5 tiêu chí chưa đạt là: trường học, chợ nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, văn hóa.

Sau hơn 3 năm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã Biển Hồ đã đạt các tiêu chí còn lại. Dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh xã để giới thiệu những thay đổi của địa phương, ông Lê Doãn Chiến-Chủ tịch UBND xã cho biết: Để đạt được xã nông thôn mới, bên cạnh việc quy hoạch, thực hiện đề án, Đảng bộ xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động triển khai đến người dân một cách sâu rộng, thông qua các buổi họp tổ, nhóm dân cư, phát tờ rơi tuyên truyền đến từng hộ dân để vận động mọi người cùng tham gia. Hệ thống đường giao thông nông thôn từ xã đến các thôn, làng đều được nâng cấp mở rộng.

Trong 3 năm (2011-2013), xã đã huy động được hơn 108,3 tỷ đồng (nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là hơn 7,8 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hơn 17,7 tỷ đồng, vốn tín dụng 35,3 tỷ đồng và vốn do nhân dân đóng góp là hơn 47,4 tỷ đồng) đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 6.128 mét đường giao thông nông thôn, với tổng kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa một số hạng mục công trình của xã và các thôn làng, với tổng kinh phí 3,825 tỷ đồng; xây dựng hệ thống thoát nước và phòng cháy chữa cháy chợ Biển Hồ với tổng kinh phí  320 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng, nhân dân đóng góp 20 triệu đồng); sửa chữa trường học và mua sắm trang-thiết bị dạy và học 444 triệu đồng; đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng tại một số thôn, làng; tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi giúp người dân phát triển kinh tế...

Ông Chiến đúc rút kinh nghiệm: Để việc xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, cần tuyên truyền cho người dân hiểu thực hiện chương trình là của nhân dân; có sự chung sức chung lòng của cả hệ thống chính trị, chính quyền và nhân dân, sự hỗ trợ của các đơn vị đứng chân trên địa bàn...

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm