Mỹ phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên là người trở về từ Nam Phi hôm 22-11, đã tiêm chủng đầy đủ vắc-xin ngừa Covid-19 và có triệu chứng nhẹ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm 1-12 cho biết ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên là cư dân bang California, trở về từ Nam Phi hôm 22-11, xuất hiện các triệu chứng ba ngày sau đó và có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào ngày 29-11.
Chuyên gia dịch tễ Anthony Fauci cho biết người này đã tiêm chủng đầy đủ nhưng chưa được tiêm liều vắc-xin tăng cường. Ông Anthony Fauci nói sẽ cần trên hai tuần để xác định khả năng lây nhiễm của Omicron, cũng như mức độ nghiêm trọng và liệu nó có vượt qua khả năng bảo vệ vaccine hay không.
Theo các quan chức y tế công cộng ở California, bệnh nhân đang tự cách ly, có triệu chứng nhẹ và đã cải thiện. CDC thông báo những trường hợp tiếp xúc gần với người này đã được truy vết và cho kết quả âm tính.
Mỹ phát hiện ca nhiễm chủng Omicron đầu tiên là hành khách trở về từ Nam Phi hôm 22-11. Ảnh: Bloomberg |
Mỹ chưa ghi nhận ca lây nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng. Ông Reuters: "Điều quan trọng là chúng ta có ghi nhận trường hợp lây nhiễm cộng đồng nào từ ca bệnh này hay không. Đó là điều chúng tôi muốn theo dõi".
Giới chức y tế Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng. CDC và Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo tất cả công dân từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm đầy đủ nên cân nhắc tiêm mũi bổ sung. Ông Anthony Fauci nói với các phóng viên hôm 1-12 rằng vắc-xin hiện nay có thể giảm hiệu quả đối với biến thể Omicron nhưng cần phải chờ dữ liệu nghiên cứu.
Hơn 20 quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có nhiều nước châu Âu và châu Á. Ảnh: DPA |
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết lệnh cấm đi lại có thể tác động tiêu cực tới sự hợp tác toàn cầu ngăn biến thể Omicron lây lan, làm trì hoãn việc chia sẻ các mẫu bệnh phẩm từ Nam Phi có thể giúp nghiên cứu về chủng virus mới.
Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO, bà Maria Van Kerkhove, cho biết các nhà nghiên cứu Nam Phi rất muốn chia sẻ thông tin, dữ liệu và mẫu bệnh phẩm nhưng lệnh cấm đi lại đã cản trở nỗ lực đó.
Tương tự, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng chỉ trích lệnh hạn chế đi lại vì Covid-19. Ông cho rằng việc đó không công bằng, kém hiệu quả và khiến một số nước bị cô lập.
Ông Guterres nói: "Chúng ta có những công cụ để bảo đảm di chuyển an toàn. Hãy sử dụng công cụ đó để tránh thứ mà tôi gọi là "phân biệt đi lại"". Theo ông Guterres, cách duy nhất để giảm nguy cơ lây lan dịch trong khi vẫn cho phép hoạt động kinh tế và đi lại là liên tục xét nghiệm hành khách, kết hợp các biện pháp thích hợp và thực sự hiệu quả khác.
Huệ Bình (NLĐO)