Đến Ia Dom- một trong những xã biên giới của huyện Đức Cơ (Gia Lai), hỏi thăm ông Võ Quốc Hưng thì ai cũng biết. Người ta biết đến ông phần vì cái dáng vẻ ít nhiều khác người, phần vì sự hiếu học của gia đình ông.
Là thương binh hạng 1/4, một chân vĩnh viễn bỏ lại chiến trường, thế nhưng người thương binh ấy vẫn kiên cường vượt qua tất cả, chống chọi với những cơn đau đớn, kiên cường song hành với người vợ bị bệnh hở van tim nuôi nấng đàn con 5 đứa học hành nên người…
Sinh năm 1959 tại vùng quê Hương Khê- Hà Tĩnh, năm 1978, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thanh niên Võ Quốc Hưng lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ vùng biên giới Tây Nam. Năm 1979, ông bị thương nhẹ. 3 năm sau, lại bị thương lần hai. Lần này, một chiếc chân đã vĩnh viễn rời bỏ cơ thể ông…
Anh Chu Đức Cường đang tỉa cành cà phê. Ảnh: Lê Hòa |
Thân thể không lành lặn, vợ lại mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng nhờ cần cù lao động, “lấy ngắn nuôi dài” cuối cùng ông đã thành công, lần lượt 5 đứa con học hành thành đạt. Đứa lớn nhất giờ là Bí thư Đoàn xã năng động, 3 đứa tiếp sau đều học đại học, cao đẳng cô út đang học cấp III. Tuy chưa giàu có nhưng kinh tế gia đình ông cũng xếp vào loại “kha khá” của xã: 700 cây cà phê, hơn 200 gốc điều, 2 ha cao su sắp cho thu hoạch. “Nghĩ lại ngày tháng qua có lúc muốn rơi nước mắt. Nhờ Nhà nước quan tâm hỗ trợ nên chuyện học hành của con cái chúng tôi cũng nhẹ gánh đi. Cả đời vất vả, chỉ mong sau này con cái nên người. Vốn quý nhất của vợ chồng tôi là các con!”- ông Hưng tâm sự.
Với Chu Đức Cường (dân tộc Nùng)- con liệt sĩ Chu Văn Téng thì để có được ngày hôm nay là cả một chặng đường dài phấn đấu. Chưa đầy 7 tuổi, người cha thân yêu đã vĩnh viễn hy sinh trên tuyến lửa Quảng Trị khốc liệt. Rời vùng biên Cao Lộc- Lạng Sơn, người thanh niên Chu Đức Cường lên đường vào Tây Nguyên lập nghiệp. Gia đình anh là một trong những hộ đầu tiên đến làm ăn sinh sống cùng bà con Jrai tại xã Ia Lang, huyện Đức Cơ.
Anh Cường đã chứng minh cho bà con Ia Lang thấy giá trị kinh tế vượt trội của cây cà phê và mở đầu cho phong trào trồng cà phê rầm rộ trên vùng đất này. Riêng với anh, từ 500 cây cà phê đầu tiên, giờ anh đã có hơn 3 ha, một cửa hàng tạp hóa lớn nhất, nhì xã, nhà cửa khang trang. Không những thế, hai đứa con của anh chăm ngoan, học giỏi, một là học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh thành tích 12 năm liền là học sinh giỏi, giành được nhiều học bổng Vừ A Dính và BIDV; và một cháu là học sinh Trường Văn hóa III-Bộ Công an. Gia đình anh trong nhiều năm được huyện công nhận là gia đình văn hóa, gia đình hiếu học.
Anh chia sẻ: “Mỗi lần nghĩ về quê hương, về anh em và nhất là về sự hy sinh của bố, tôi lại thấy mình phải phấn đấu nhiều hơn. Mảnh đất này cha ông đã phải đổi bằng cả máu thịt, mình được thừa hưởng thì mình phải làm cho nó nở hoa”.
Lê Hòa