Kinh tế

Binh đoàn 15 với địa bàn chiến lược Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Binh đoàn 15 là đơn vị kinh tế- quốc phòng được thành lập ngày 20-2-1985 theo Quyết định số 68/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Nhiệm vụ chính trị của đơn vị là phát triển kinh tế gắn với quốc phòng- an ninh, xây dựng dân cư- xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên và làm nhiệm vụ quốc tế tại hai nước bạn Lào, Campuchia, chủ yếu là sản xuất nông- công nghiệp, kết hợp kinh doanh tổng hợp các ngành như: Xây dựng cơ bản, dịch vụ thương mại, tập trung mũi nhọn là phát triển cây cao su, cà phê từng bước tạo cho Tây Nguyên phát triển mạnh cả về kinh tế, văn hóa- xã hội- quốc phòng- an ninh. Hiện nay các đơn vị của Binh đoàn đứng chân trên địa bàn 6 huyện, thị gồm 28 xã, phường, thị trấn thuộc các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, đồng thời làm nhiệm vụ quốc tế ở tỉnh Attopeu (Lào).

Trải qua 25 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, được sự đùm bọc, cưu mang của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trên địa bàn đứng chân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức-người lao động của Binh đoàn 15 luôn giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết, sáng tạo, chủ động khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng-an ninh.

 

Trong bước đi của mình, Binh đoàn 15 đã trải qua nhiều thời kỳ, gắn liền với quá trình phát triển của đất nước, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn từ năm 1985 đến năm 1990 với đặc trưng cơ bản của cơ chế bao cấp và giai đoạn từ năm 1991 đến nay đổi mới mạnh mẽ theo tiến trình chung của nền kinh tế đất nước. Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung tuy phải đối mặt với muôn vàn khó khăn gay gắt trong sản xuất và đời sống nhưng với ý chí quyết tâm, lòng nhiệt tình cách mạng, vững vàng trong gian khổ, tập thể người lao động Binh đoàn đã vươn lên vừa hoàn thành tốt chỉ tiêu pháp lệnh được giao, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân.

Bước sang giai đoạn hoạt động theo quy chế doanh nghiệp, việc chuyển hẳn sang chế độ hạch toán kinh doanh với đầy đủ các nghĩa vụ trong hoạt động kinh tế, lại cùng song song triển khai nhiệm vụ quốc phòng-an ninh và phát triển dân cư xã hội được xem là bài toán khó, cuộc thử sức lớn giữa năng lực quản lý, điều hành với những khắc nghiệt của cơ chế thị trường, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã đề ra chủ trương và các giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD), bảo đảm từng ngành, từng lĩnh vực, từng công ty, xí nghiệp đều phát triển với những bước đi mạnh mẽ và vững chắc. Binh đoàn đã sắp xếp lại tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối, thực hiện theo cơ chế quản lý hai cấp, bỏ cấp trung gian theo hướng tinh gọn và hiệu quả, giữ vững cơ chế cấp ủy đảng lãnh đạo, phát huy vai trò giám đốc trong tổ chức quản lý, điều hành SXKD và người lao động làm chủ, thực hiện chế độ khoán sản phẩm, trả lương theo kết quả lao động. Đồng thời luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nâng cao trình độ quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ các cấp, tích cực nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, tích cực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của người lao động đáp ứng với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

 

Thành quả nổi bật trong giai đoạn chuyển đổi mô hình kinh tế mà Binh đoàn đạt được đó là, tốc độ khai hoang, phục hóa, trồng mới diện tích cao su, cà phê, tăng năng suất sản lượng lương thực, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đều đạt từ 10% đến  12%. Tính đến năm 2009, Binh đoàn đã đầu tư trồng được gần 27.000 ha cao su (gần 24.000 ha cao su kinh doanh); 1.500 ha cà phê, diện tích lúa nước 2 vụ: 90 ha. Tổng sản lượng năm 2009 đạt gần 34.000 tấn mủ cao su quy khô, 2.850 tấn cà phê nhân xô, 778 tấn thóc khô. Do sự phát triển bền vững, tính đến nay tổng doanh thu của Binh đoàn đạt 6.718,24 tỉ đồng, nộp ngân sách hơn 445 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 757,39 tỉ đồng, bảo đảm việc làm và thu nhập cho gần 15.000 lao động.

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về diện tích, sản lượng, doanh thu và lợi nhuận, hàng loạt các công trình phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh được xây dựng như các hồ đập, các trạm thủy điện vừa và nhỏ, 6 nhà máy chế biến (cao su, cà phê, phân bón), làm mới, sửa chữa gần 500 km đường giao thông liên thôn, liên xã; cùng địa phương xây dựng hệ thống lưới điện cao thế, trạm biến áp đến các buôn làng, xây dựng 8 trường tiểu học và trung học cơ sở với 93 phòng học, 110 nhà trẻ, mẫu giáo, 1 bệnh viện và 2 phân viện, 7 bệnh xá; đầu tư xây dựng tượng đài Bác Hồ tại khuôn viên Khu văn hóa thể thao.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc về kinh tế, Binh đoàn đã có chính sách thu hút lao động, đặc biệt lao động là người dân tộc thiểu số. Với phương châm phát triển và mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó, từng bước cải thiện đời sống người lao động, tạo ra sự yên tâm gắn bó xây dựng Binh đoàn. Từ chỗ chỉ có gần 5.000 lao động với 3 cụm và 21 điểm dân cư cùng 1.718 hộ vào thời điểm năm 1990, đến nay Binh đoàn đã có gần 15.000 lao động và hàng vạn nhân khẩu, được bố trí trên 7 cụm với hàng trăm điểm dân cư trên dọc biên giới. Đặc biệt Binh đoàn đã thu hút được 4.076 hộ với hơn 6.000 lao động là người các dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân hoặc nhận khoán vườn cây của Binh đoàn, tạo ra những nhân tố mới trong xây dựng buôn làng văn hóa, đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu, đồng thời là hạt nhân đoàn kết, tích cực vận động cộng đồng giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Binh đoàn đầu tư hàng trăm tỉ đồng để tạo ra bộ mặt nông thôn mới tại các vùng đồng bào dân tộc định canh, định cư xây dựng cơ sở hạ tầng, sửa sang, xây mới trường lớp, đường điện, cơ sở y tế; tích cực giúp đỡ nhân dân địa phương xây dựng khu dân cư, tạo ra những điểm sáng về kinh tế, văn hóa, quốc phòng-an ninh.

25 năm nhìn lại, vừa làm, vừa học, từ những bỡ ngỡ ban đầu, những thiếu hụt về kiến thức quản lý kinh tế, đến nay 100% cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật các cấp đều đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học các chuyên ngành tương ứng với nhiệm vụ được giao; phần lớn cán bộ chủ trì các cấp có trình độ đại học; một thế hệ công nhân kỹ thuật có tri thức và chuyên môn được đào tạo, chất lượng người lao động đã được nâng lên... Với những nỗ lực đó, Binh đoàn căn bản khắc phục được tình trạng bất cập về trình độ quản lý kinh tế và chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ cán bộ, công nhân tồn tại trong nhiều năm qua. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới vào sản xuất ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động SXKD của Binh đoàn.

Với những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên trong 25 năm qua, Binh đoàn đã được cấp trên trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt ngày 13-1-2003, Binh đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới”, một tập thể và một cá nhân của Binh đoàn được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới. Vinh dự này không chỉ là niềm tự hào của Binh đoàn mà còn là thành quả công lao vun trồng, sự chịu đựng gian khổ, hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và công nhân lao động cũng như các đơn vị tiền thân của Binh đoàn.

Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, Binh đoàn tiếp tục nêu cao ý chí tự lực, tự cường vượt qua những khó khăn, thử thách đang đặt ra để phát triển vững chắc trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra sự chuyển biến sâu sắc hơn nữa về chất của mô hình gắn phát triển kinh tế với quốc phòng-an ninh, góp phần cùng đồng bào các dân tộc biến mảnh đất Tây Nguyên giàu tiềm năng thành vùng phát triển kinh tế trọng điểm của cả nước, trở thành điểm sáng trong công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, là địa bàn vững mạnh về quốc phòng-an ninh, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang
Tư lệnh Binh đoàn 15

Trong 5 năm (2005-2009), công tác dân vận- tuyên truyền của Binh đoàn đạt được một số kết quả: Tổ chức lễ kết nghĩa 123 làng, hỗ trợ số tiền 971 triệu đồng; gắn kết 1.972 hộ, hỗ trợ số tiền 609 triệu đồng; giúp dân 64.609 ngày công, làm và sửa chữa 344 km đường giao thông, trị giá 241 triệu đồng; làm 49 km kênh mương thủy lợi ,trị giá 604 triệu đồng. Đồng thời, giúp dân xóa đói giảm nghèo 9.346 lượt hộ, trị giá 13.430 triệu đồng; phòng-chống thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ gạo giáp hạt 331 tấn, trị giá 3.132 triệu đồng; phụng dưỡng 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trị giá 90 triệu đồng; tặng 310 sổ tiết kiệm, trị giá 20 triệu đồng; xây, tặng 52 “Nhà đồng đội”, “ Nhà nghĩa tình đồng đội”, “ Nhà tình nghĩa”, nhà Đại đoàn kết”, trị giá 1,39 tỉ đồng...

Có thể bạn quan tâm