Ngày thầy thuốc Việt Nam, bóng dáng những chiếc blouse trắng vẫn cứ thoăn thoắt với vô vàn công việc tưởng chừng không bao giờ hết tại các bệnh viện, các cơ sở y tế dù hôm ấy là ngày của họ, ngày mà theo lẽ thông thường họ phải được nghỉ ngơi. Nhưng người bệnh đang chờ họ, từng giây từng phút…
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thương (phải) trong ca mổ nội soi cho 1 bệnh nhân viêm ruột thừa chiều 27-2. Ảnh: Phương Duyên |
15 giờ 30 phút, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thương (Chuyên khoa cấp I, Khoa Ngoại- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) cùng 5 người nữa trong kíp mổ bắt đầu chuẩn bị ca mổ nội soi cho một bệnh nhân bị viêm ruột thừa. 15 phút sau, đoạn ruột thừa gây bao phiền toái đã nhẹ nhàng rời khỏi cơ thể bệnh nhân. Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay đã được đánh dấu bằng những ca mổ thành công như vậy và làm cho ngày này càng thêm ý nghĩa hơn đối với bác sĩ Nguyễn Ngọc Thương cũng như nhiều bác sĩ trực khác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
“Sự sống là vô giá…”
12 năm gắn bó với nghề y, đối mặt hàng ngày với nỗi đau của từng bệnh nhân- thậm chí là phải giành giật từng bệnh nhân khỏi tay thần chết- Nguyễn Ngọc Thương hiểu rõ điều này hơn bao giờ hết. “Sự sống thì ai cũng quý cả. Nó là vô giá”- anh nói. Chính vì vậy, anh cho biết, niềm hạnh phúc lớn nhất của anh trong nghề là những lần cứu được những bệnh nhân mà 90% sự sống đã rời bỏ, chỉ còn 10% cơ may sống sót. Bác sĩ Thương phân tích: “Những bệnh nhân này, xét về điểm Glasgow thì chỉ còn 3 điểm, tức ở mức tối thiểu. Khi mổ thành công những ca này thì không có niềm vui nào bằng”. (Điểm Glasgow là thang điểm về tri giác thông qua đánh giá tri giác của mắt, vận động của chi khi kích thích. Điểm tối đa của thang điểm này là 15- P.V). Được đánh giá là một bác sĩ trẻ có nghề, Nguyễn Ngọc Thương cũng là người đã học hỏi và áp dụng phương pháp mổ nội soi niệu quản bắt đầu từ giữa năm 2009 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; kỹ thuật mới này đã giúp bệnh nhân bớt đau đớn và giảm thời gian nằm điều trị so với trước kia.
Còn tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh, địa chỉ lý tưởng cho những người bệnh mãn tính, nhiều y- bác sĩ vẫn đang hết sức tận tâm chăm sóc, chữa trị cho từng bệnh nhân như chăm người nhà. Bác sĩ Bùi Thị Hồng Thương (Chuyên khoa cấp I, Khoa Nội) không giấu được niềm vui khi kể lại chuyện về một bệnh nhân 81 tuổi nhập viện cách đây 2 năm trong tình trạng suy kiệt vì tai biến, liệt nửa người bên trái, không đi lại được. “Chỉ sau 10 ngày điều trị là bác ấy đã bắt đầu đi lại được, 10 ngày sau thì ra viện. Bây giờ thỉnh thoảng bác vẫn đến đây thăm các y-bác sĩ. Với chúng tôi, đây là cảm giác hạnh phúc nhất…”- bác sĩ Hồng Thương xúc động nói. Chính những niềm vui nho nhỏ ấy đã động viên chị trong 10 năm theo nghề, làm cho chị thêm yêu cái nghề cực nhọc phải “làm dâu trăm họ” này.
Bác sĩ Bùi Thị Hồng Thương khám cho bệnh nhân Ksor H’Kreo (làng Breng I, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai). Ảnh: Phương Duyên |
Với bác sĩ Phạm Thị Mỹ Loan- Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tây Sơn-thị xã An Khê, niềm hạnh phúc vô bờ của chị là đã được chào đón hàng trăm sự sống bé nhỏ chào đời, được tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương trong suốt 22 năm theo nghiệp của một bác sĩ đa khoa (sau này phụ trách luôn Sản khoa). Vì điều kiện người dân địa phương thường đi làm rẫy xa nhà, công tác thăm khám cũng như truyền thông sức khỏe gặp nhiều khó khăn nên bác sĩ Mỹ Loan phải thường xuyên có mặt ở các địa bàn để phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, tổ dân phố tuyên truyền về cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cũng như an toàn sinh sản. “Mình không thể cứ ngồi ở trạm y tế chờ người ta tới”-chị nói. Vì vậy, nhiều thai phụ đã tin tưởng chọn trạm y tế này làm nơi cắt rốn cho những đứa con của mình, mặc dù Bệnh viện đa khoa thị xã An Khê cách đó… chưa đầy 1 cây số! Nhờ những nỗ lực của chị và đồng nghiệp mà Trạm Y tế phường Tây Sơn đã được công nhận là Trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh vào năm 2005.
… Và câu chuyện y đức
“Phải xác định tư tưởng: Coi nỗi đau của người bệnh như nỗi đau của người thân mình”- đó là quan điểm đồng nhất của các bác sĩ mà chúng tôi đã gặp. Bác sĩ Mỹ Loan chân thành bày tỏ: “Y đức của người thầy thuốc thể hiện ở hai mặt: Yêu nghề để luôn học hỏi, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, phục vụ bệnh nhân tốt hơn nữa; và thứ hai là phải yêu người. Vì tính mạng bệnh nhân nằm trong tay thầy thuốc nên nếu thầy thuốc mà không yêu nghề, yêu người thì không những không cứu được người mà còn giết người”. Không ai có thể nghi ngờ điều đó khi chứng kiến sự nhiệt tình, tận tâm, chu đáo của chị đối với bệnh nhân.
Còn bác sĩ Nguyễn Ngọc Thương thì thẳng thắn nhìn nhận: “Chính người nhà của mình đôi khi vào viện cũng kêu la om sòm kia mà. Vì vậy, mình rất hiểu tâm lý bệnh nhân và người nhà khi phải nhập viện, và thái độ cần thiết của bác sĩ là phải xoa dịu nỗi lo lắng của họ”. Nói về y đức của người thầy thuốc hiện nay, anh khẳng định: “Không có bác sĩ nào là vô cảm. Bác sĩ nào cũng hết mình với người bệnh, cũng đều giống nhau trong cách xử lý vấn đề, chỉ khác nhau trong thái độ giao tiếp; đôi khi chỉ vì giao tiếp không tốt mà gây ra những bức xúc cho người bệnh”. Một khía cạnh khác phản ánh y đức, đó là chuyện “phong bì phong bao”, cũng được bác sĩ Nguyễn Ngọc Thương đề cập thẳng thắn: “Với chúng tôi, có phong bì hay không không quan trọng. Nhận phong bì vì thu nhập thấp- đó chỉ là một cách biện hộ. Còn nhận phong bì để làm tốt hơn? Điều đó không đúng. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải cẩn trọng với tất cả các bệnh nhân, bởi nếu để xảy ra tai biến sau phẫu thuật thì chính bác sĩ đó phải chịu trách nhiệm. Y đức phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trước tiên là ở chính mình: Trong chuyên môn, giao tiếp phải luôn học hỏi để phục vụ bệnh nhân tốt hơn”.
Bác sĩ Phạm Bá Mỹ- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Thấy nhiều người bệnh nghèo quá, bác sĩ ở đây lấy tiền túi cho từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng là chuyện thường như ăn cơm, uống nước, vì nghề y vốn dĩ là một nghề nhân văn. Đối với những người vô gia cư hoặc quá nghèo khó, Bệnh viện thường ứng chi phí chữa trị, sau đó trình UBND tỉnh xin thanh toán lại”. |
Riêng bác sĩ Bùi Thị Hồng Thương kết luận: Mỗi bác sĩ là một chuyên gia tâm lý. “Bệnh nhân ở đây đa số là người già, thường khó tính. Nhiều lúc gặp trường hợp người bệnh vì đau quá mà la lối, lớn tiếng, bác sĩ phải thông cảm, từ từ hỏi chuyện gia đình, sau đó mới khám và phải khám thật kỹ để người ta yên tâm”- chị nói. Nhiều hôm gặp những ca nặng như tai biến, đau cấp, liệt chưa rõ nguyên nhân, chị và đồng nghiệp phải ở lại căng tin ăn cơm trưa để theo dõi thêm. Bác sĩ Hồng Thương khẳng định: “Có nhiều người dùng phong bì để “sai khiến” bác sĩ, có người lại dùng phong bì để cảm ơn, nhưng chúng tôi đều không nhận mà chỉ nhận quà cảm ơn như hoa, bánh kẹo, trái cây…”.
Nói đoạn, chị cho chúng tôi xem tin nhắn của một bệnh nhân chúc mừng bác sĩ nhân ngày 27-2 bằng những dòng thơ dung dị: “Hai bảy tháng hai ta chúc ta/Cuộc đời thầy thuốc đẹp như hoa/nghề nghiệp tinh thông, y đức sáng/Nâng niu sức khỏe khắp muôn nhà”. Ngày này, nhiều bệnh nhân, người nhà cũng chờ đón và tặng hoa cho chị cùng các đồng nghiệp khác ngay tại… nhà để xe của Bệnh viện.
Phương Duyên