Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Bộ ba tiểu thuyết cảm động của nhà báo - nhà văn Đặng Quang Tình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Hướng về Đông”, “Những cánh chim bạt gió” và “Âm thầm” của Đặng Quang Tình này có thể coi là thiên tráng ca về lòng yêu nước.

Nhà xuất bản Lao Động vừa xuất bản tập truyện “Âm thầm” của Đặng Quang Tình. Tập truyện gồm 4 tác phẩm: “Âm thầm”, “Họp lớp”, “Đợi” và “Vòng lăm vông huyền diệu”.

Trong đó, “Âm thầm” có thể coi là phần ba bộ tiểu thuyết của người cựu chiến sĩ tình nguyện quân Việt Nam tại Lào Đặng Quang Tình. Cùng phần 1 “Hướng về Đông” (NXB Lao động-2009), phần 2 “Những cánh chim bạt gió” (NXB Hội nhà văn-2011), bộ ba này có thể coi là thiên tráng ca về lòng yêu nước, chí hy sinh vì Tổ quốc Việt Nam độc lập của bà con người Việt tại Lào-Thái qua mấy cuộc kháng chiến của dân tộc.

 

Bìa cuốn sách
Bìa cuốn sách "Âm thầm"


Cả 3 cuốn tiểu thuyết đều xoay quanh cuộc đời của một nhóm 3 học sinh cùng tuổi Giáp Tuất học lớp Nhất A của thầy giáo Kính ở Sakol (Thái Lan). Đó là Toàn, Phúc (lém) và Thạch (nữ). Cả ba đều là con các gia đình Việt kiều ở Lào chạy sang Thái Lan sau vụ lính Pháp tàn sát Việt kiều ở Thà Khẹc (Lào) ngày 21-3-1946.

“Hướng về Đông” mở đầu bằng khúc hát Việt kiều cứu quốc: “…Xa tắp, quay về Đông qua dòng sông thầm nhắn/ Xin Cha Già vui tin rằng con sẽ thắng hết gian nan…”.

Tôi đọc đi đọc lại câu hát này nhiều lần. Và, khi đã đọc hết cả 3 phần của bộ tiểu thuyết, tôi lại thấy rưng rưng.

“Hướng về Đông” là câu chuyện của những năm tháng chống Pháp với những nhân vật Việt kiều yêu nước là những chàng trai, cô gái, những bà mẹ, người cha, những con người bình thường nhưng có bản lĩnh thép, vững vàng qua mọi thử thách. Cũng với lời thề ấy, bộ ba Toàn-Phúc-Thạch đã từ giã tuổi thơ, đi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Người đi bộ đội, người hoạt động bí mật trong lòng địch, người ở lại tham gia hoạt động cách mạng. Hai chàng trai đều cùng yêu người bạn gái của mình. Tình yêu giúp họ thêm sức mạnh trong chiến đấu.

Câu chuyện khép lại với đêm rằm tháng bảy Giáp Ngọ, đêm trăng rằm hòa bình đầu tiên… Hai trong số bộ ba: Phúc và Thạch, có mặt ở gốc cây Thọ Thái trên hồ Sa-văng-thoong và nhắc đến Toàn, người bạn giờ này không biết ở nơi nào và hy vọng bạn mình đang trên đường hành quân về nước (Cả hai đều không biết bạn mình đã được lệnh quay trở lại chiến trường Lào, bắt đầu một cuộc chiến đấu mới).

Không phải ngẫu nhiên mà Đặng Quang Tình lại đặt tên cho phần 2 bộ tiểu thuyết của mình là “Những cánh chim bạt gió”, bởi số phận của những nhân vật mà ông yêu quý sẽ tiếp tục gặp nhiều gian khổ, hy sinh. Nếu trong tập trước, bộ đôi người yêu-vợ chồng Trần Trung-Lê Thị Loan còn xuất hiện chưa nhiều, thì trong “Những cánh chim bạt gió”, họ xuất hiện nhiều hơn và những thử thách mà họ trải qua dường như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc sống của ba bạn trẻ tuổi Giáp Tuất.

Trần Trung là cán bộ quân báo chỉ huy một cụm tình báo hoạt động. Loan (vợ Trung) cũng là một mắt xích trong Cụm. Người phụ nữ ấy mấy lần vào cứ thăm chồng mà không gặp. Còn người chồng nhiều lần vào Viêng-chăn hoạt động, cắn răng nhìn vợ con từ xa mà vì “nguyên tắc” không thể gặp được. Hoạt động dưới sự chỉ huy của Trần Trung, Phúc cũng đã nếm trải đầy đủ niềm hạnh phúc lớn lao khi được yêu, nhưng cũng không thể vì tình riêng mà quên nhiệm vụ.

Trong khi Phúc lăn lộn với mặt trận Lào, Thạch được về nước sau ngày đất nước thống nhất và cũng như Loan, chị bặt tin Phúc. Cả hai Loan-Thạch cùng quay trở lại đất Thái, phần vì nhiệm vụ, phần vì muốn tìm bằng được tung tích của những người thân yêu của mình. Phải là người trong cuộc, Đặng Quang Tình mới dành cho đoạn kết phần 2 câu chuyện của mình bằng câu hát xưa “Đời ta như cánh chim chiều, phiêu bạt trời mây… những nhớ và thương…” (Sơn nữ ca - Trần Hoàn). Lãng mạn mà cũng đau khổ lắm chứ? Nhưng cuộc sống lúc bấy giờ là vậy.

Dường như muốn bổ sung cho những gì còn thiếu của phần 2, phần 3 “Âm thầm” tập trung kể về một lát cắt trong cuộc đời của Phúc - với cái tên Lào “Xổm Phăn”. Được lệnh xâm nhập vào khu căn cứ Xảm Thông-Long Chẹng của tướng phỉ Vàng Pao, Phúc phải đi theo con đường hướng Bắc, từ Miến Điện ngược trở lại Bắc Lào. Phúc đi trong tâm thế thực hiện lời hứa của bộ ba Giáp Tuất, trong lòng lúc nào cũng cháy bỏng nụ hôn của Thạch dưới cây Thọ Thái trên hồ Sa-văng-thoong”, lúc nào cũng thấp thoáng cái ô đỏ “đỏ cả trời Sakol”.

Xuất hiện những nhân vật nữ mới trong cụm quân báo: Lương Thị Thanh, nữ thanh niên  đầu tiên lên trạm giao liên (từ 1948), Lã Thị Linh, rồi bà Kẹo… Và Lê thị Loan, người không gặp mặt người chỉ huy, cũng là chồng mình - Trần Trung từ năm 1956…Trong khi ấy, Trần Trung vẫn theo sát từng bước đi của Phúc, có mặt kịp thời, giúp Phúc chọn hướng đi đúng nhất.

Và tôi tin những điều Phúc trải qua là thật: anh được Đuông Chăn, con gái trùm thuốc phiện Su-van Thoong đem lòng yêu mến. Vừa trân trọng tình cảm của người bạn gái, vừa giữ trọn thủy chung với Thạch, phần con người-phần trong sáng của người lính tình nguyện Việt Nam tại Lào đã giúp Phúc vượt qua được thử thách về tình cảm, giúp anh hoàn thành nhiệm vụ điều tra Xảm thông-Long chẹng, để bộ đội mấy lần tiến công, đập tan căn cứ này, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Lào.

Hẳn Đặng Quang Tình đã “phân vân” rất lâu khi để Phúc, nhân vật mà ông yêu mến xuyên suốt cả bộ ba tập tiểu thuyết, hy sinh trên đường trở về căn cứ trong một trận chiến không cân sức. Một cơn sốt rét ác tính đã cướp đi “Phúc của Thạch”. Bộ ba Giáp Tuất chẳng còn một ai: Trần Thị Thạch rã cánh trong mòn mỏi ở Sakol. Dương Quang Toàn, Phan Văn Phúc rã cánh trong bom đạn, kiệt sức nơi rừng  Lào…

Nhưng vẫn còn đó những cánh chim bạt gió… âm thầm sải cánh…

Mở đầu “Những cánh chim bạt gió”, Đặng Quang Tình tự bạch: “Cuộc dời dầu biến đổi/ Thế sự dẫu đổi thay/ Thủa Việt kiều cứu quốc/ Vẫn  làm ta đắm say”. Ông đã dành khoảng thời gian 6 năm để viết nên bộ ba tác phẩm “Kính tặng những Việt kiều âm thầm trong đạo quân tình nguyện Việt Nam tại Lào”.

Tôi đọc phần ba bộ tiểu thuyết của ông sau khi được du hành bằng đường bộ Việt Nam-Lào-Thái Lan, quãng đường ông đã đi bằng cả tuổi trẻ sôi nổi của mình. Được sống với con cháu những Việt kiều yêu nước đã từng quen biết ông ở Sakol, Udon Thani, Noỏng Khai, được đi dọc dòng sông Mê-công, được nếm trải cái nắng, cái gió của những Sa-vằn-nà-khệt, Mục-đa-hản, Pạc-kà-đinh… và được hít thở hương hoa sữa thơm nồng tỏa ra từ đền thờ Bác Hồ ở Udon…Và tôi biết vẫn có những cánh chim bạt gió đang sải cánh trên đại ngàn Trường Sơn hay Cánh đồng Chum, các cao nguyên Bô-lô-ven, A-ta-pư…

Một chút ước ao: một ngày nào đó được cầm trên tay bộ ba tập tiểu thuyết này trong một bản in. Một chút ước ao Nhà báo - nhà văn Đặng Quang Tình tiếp tục viết về đề tài này. Bởi vì vẫn còn đó những cánh chim bạt gió, cần lắm những trang viết rút ra từ máu thịt như những trang viết về Việt kiều cứu quốc của Đặng Quang Tình.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm