(GLO)- Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai không chỉ thường xuyên bám sát địa bàn giúp đỡ nhân dân vùng biên phát triển kinh tế mà còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động người dân tham gia bảo vệ biên giới.
Gia Lai có hơn 90 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Trình độ của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực biên giới còn hạn chế, nhiều tập tục lạc hậu còn tồn tại nên dễ bị các thế lực phản động lợi dụng lôi kéo hoạt động phi pháp. Vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, tích cực tham gia bảo vệ biên giới là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh phối hợp với chính quyền xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) tuyên truyền pháp luật cho người dân. Ảnh: L.Q |
Ông Ngô Hữu Thiện-Chủ tịch UBND xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, Gia Lai) cho biết: “Trước đây, địa bàn xã là “điểm nóng” phức tạp về an ninh trật tự. Trong 5 năm qua, chúng tôi đã phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh vừa tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, vừa thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã tích cực bám nắm địa bàn, giúp người dân phát triển kinh tế; tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tổ chức hiệu quả các phong trào bảo vệ an ninh biên giới. Đến nay, xã đã xây dựng được 11 tổ tự quản và gần 1.800 hộ gia đình tham gia ký nhận tự quản đoạn đường biên, cột mốc; tham gia hiệu quả các hoạt động tuần tra, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa bàn và khu vực biên giới”.
Từ năm 2018 đến nay, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã chủ động phối hợp cùng chính quyền cơ sở, các lực lượng chức năng tổ chức hơn 250 buổi tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật với trên 23 ngàn lượt người tham gia. Nội dung tuyên truyền trọng tâm là các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề biên giới; vận động nhân dân không xuất cảnh trái phép, không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu. Bên cạnh đó, các đơn vị còn phối hợp làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ già làng, trưởng thôn để họ thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân cũng như gương mẫu, tích cực đi đầu trong chấp hành pháp luật; dùng người thật, việc thật để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, giúp bà con nâng cao hiểu biết, phân biệt được các hành vi đúng-sai.
Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các đơn vị Bộ đội Biên phòng còn chú trọng phát huy “tai mắt nhân dân” trong đấu tranh phòng-chống tội phạm trên khu vực biên giới. Từ đầu năm 2019 đến nay, người dân đã cung cấp hơn 530 thông tin giúp các đơn vị bắt giữ và xử lý 41 đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó có 3 đối tượng người từ địa phương khác đến câu móc vượt biên.
Đại tá Vũ Trung Kiên-Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-cho biết: “Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Vì vậy, thời gian qua, Đảng ủy-Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chủ động tham mưu và phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường thế trận biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn biên giới”.
LÊ QUANG