Bộ Ngoại giao xác nhận các cơ quan chức năng đang theo dõi nhóm tàu Trung Quốc Hải Dương 8 ra khỏi vùng EEZ Việt Nam.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 8/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh vụ nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.
Một vài tàu hộ tống cho Hải Dương 8 vẫn ở vị trí cũ gần bãi Tư Chính. Ảnh: TNO
"Chiều 7/8, nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã dừng hoạt động khảo sát địa chấn và rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982" - bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang "tiếp tục theo dõi" nhóm tàu này.
Liên quan đến hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải dương 8 của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp, đề nghị các nước tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như đã xác lập tại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phù hợp đúng pháp luật” - bà Lê Thị Thu Hẳng khẳng định.
Trước đó, trong tuyên bố đưa ra hôm 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết trong những ngày qua nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên".
Theo bà Thu Hằng, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ, duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này.
Đến ngày 29/7, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam đã có Công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng về việc lên án phản đối hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam, gây ảnh hưởng và cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động khai thác hải sản trên lãnh thổ vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Công văn nêu rõ, theo thông tin phản ảnh của nhiều hội viên, ngư dân vùng Đông Nam bộ và Nam Trung bộ, thời gian qua nhóm tàu kháo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông (gần bãi Tư chính - Việt Nam), gây cản trở công việc khai thác hải sản của ngư dân Việt Nam tại vùng biển này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: VOV
Nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc đã có những hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ ngày 4/7.
Cúc Phương (Đất Việt)