(GLO)- Ngày 5-1-2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2015 và đánh giá 5 năm 2011-2015; triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 và kế hoạch 5 năm (2016-2020). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị. Tham dự phía đầu cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên và ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh.
Ảnh: Kim Linh |
Tại Gia Lai, kế hoạch 5 năm (2011-2015) được triển khai trong điều kiện cực kỳ khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp và không thuận lợi như hạn hán trong vụ Đông Xuân 2011, vụ mùa 2012; thiệt hại do bão trong vụ mùa 2013..., ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái kinh tế làm giá cả đầu vào sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, ngành nông nghiệp của Gia Lai cũng đạt được những kết quả rất khả quan.
Giá trị sản xuất toàn ngành có tốc độ phát triển bình quân đạt 7,3%/năm, trong đó, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp là 7,69%/năm, thủy sản 36,48%/năm. Giai đoạn tiếp theo, tỉnh ta sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng bình quân 5,66%/năm, trong đó, ngành nông nghiệp đạt 5,67%/năm; ngành lâm nghiệp tăng 4,34%/năm; ngành thủy sản tăng 6,61%/năm. Đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành đạt 30.880 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao toàn diện của ngành Nông nghiệp và PTNT trong năm 2015. Thủ tướng đề nghị ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hoàn thiện thể chế hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để phát triển mạnh, bền vững trong lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý các sai phạm. Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập của người nông dân, đặc biệt tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản; mở cửa thị trường cho lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng thời, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất để có sản xuất lớn, chất lượng, hiệu quả cao; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của ngành nông nghiệp, đặc biệt là tái cơ cấu nông-lâm trường quốc doanh. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chủ động phòng-chống thiên tai; phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Kim Linh