(GLO)- Lệnh cấm hoạt động đối với xe công nông đã có hiệu lực gần 8 năm nay. Trong khoảng thời gian đó, đã có nhiều phương án được triển khai để hạn chế hoạt động của loại phương tiện này. Tuy nhiên, với người nông dân thì họ không dễ dàng từ bỏ “con trâu sắt” của mình vì đó là đầu cơ nghiệp phù hợp nhất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp…
Với kết cấu địa hình hơn 40% diện tích tự nhiên là đồi núi, để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và vận chuyển hàng hóa, xe công nông là phương tiện phù hợp nhất của người nông dân ở Gia Lai. Sự đa năng của loại phương tiện này là điều không phải bàn cãi, khi ngoài công năng chở hàng hóa, nó còn là phương tiện chở người đi cấp cứu… Tuy nhiên, phương tiện này không đảm bảo về điều kiện an toàn kỹ thuật, mất an toàn khi tham gia giao thông.
Chính vì vấn đề này, ngày 29-6-2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP về một số giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 46/CT-TTg, ngày 19-12-2004 về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ. Từ ngày 1-1-2008, ngành chức năng của tỉnh lên danh sách “khai tử” 5.715 xe công nông độ chế, 237 xe Lambro 3 bánh, 53 xe ba gác máy tự chế, 29 xe lôi. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành 3 quyết định, 1 chỉ thị về công tác quản lý, về phạm vi hoạt động, cấm xe công nông lưu hành trong nội thành, nội thị, khu đông dân cư, quốc lộ, tỉnh lộ...
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có đến 25.062 xe công nông, trong đó có 20.736 máy kéo nhỏ, 4.326 xe độ chế, xe máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong số này mới chỉ có 3.637 xe máy kéo nhỏ được tổ chức đăng kiểm, còn lại hơn 17.000 chiếc chưa được đăng ký quản lý. |
Để giảm bớt áp lực kinh tế cho người dân, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 1491/QĐ-TTg, ngày 8-11-2007 và Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 29-4-2009 về việc hỗ trợ kinh phí giúp nông dân thay thế xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông. Theo đó, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nhận hỗ trợ để chuyển đổi cho 1.119 phương tiện với số tiền hơn 6,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 11-3-2014, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 319/TTg-KTN chỉ đạo không kéo dài thời gian hỗ trợ chuyển đổi phương tiện này nên hơn 4.000 phương tiện nằm trong danh sách cấm lưu hành không còn nhận được kinh phí hỗ trợ.
Ông Rơ Châm Phưl (xã Ia Nhin, huyện Chư Pah) cho biết: “Tôi cũng biết là cấm xe công nông ra quốc lộ, tỉnh lộ, nhưng giờ rẫy gia đình tôi ở xã Ia Phí, muốn không lưu thông qua tỉnh lộ cũng không được. Chưa kể, rẫy ở khu đồi cao, chỉ có xe công nông độ chế thêm cáp tời mới có thể đi vào được để chở phân bón và chở hàng hóa sau khi thu hoạch. Nếu không dùng xe công nông thì việc sản xuất của gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn…”. Cũng theo lời ông Phưl, với bà con dân tộc thiểu số ở đây thì xe công nông cũng được xem như một lao động chính trong gia đình. Mặc dù Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp phương tiện thay thế nhưng đến nay vẫn chưa có loại phương tiện hữu dụng nào để thay thế xe công nông. Theo đó, công tác xử lý của cơ quan chức năng cũng gặp không ít khó khăn. Nếu xử lý nghiêm thì mức xử phạt khá cao, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Trong những năm qua, toàn tỉnh mới xử lý được 69 trường hợp, còn lại chỉ dừng ở mức tuyên truyền, nhắc nhở và tổ chức viết cam kết đối với 5.202 chủ xe, lái xe công nông…
Để chấn chỉnh công tác quản lý, phòng ngừa nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn giao thông với các loại xe công nông, xe độ chế lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tại cuộc họp với Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: “Trước khi thực hiện xử lý phải làm tốt công tác tuyên truyền, nắm chắc số lượng xe công nông ở từng địa phương để chủ động trong quản lý. Tất cả hệ thống chính trị của địa phương phải bắt tay vào làm, thông báo rộng rãi đến người dân về phạm vi hoạt động của xe công nông chỉ được cho phép ở đâu, được phép chở cái gì và khi vi phạm thì bị xử lý ra sao. Đề nghị lực lượng chức năng khi đi tuần tra, kiểm soát ở những tuyến cấm xe công nông hoạt động, nếu gặp trường hợp xe chở người thì trước hết buộc phải cho người xuống đi bằng phương tiện khác, nếu đã nhắc nhở mà tiếp tục vi phạm thì phải xử phạt nghiêm minh…”.
Trên thực tế, trong tổng số các vụ tai nạn giao thông xảy ra hàng năm thì số vụ liên quan đến xe công nông chỉ chiếm tỷ lệ chưa đến 1%. Tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn thì hậu quả là khôn lường. Nhiều người cho rằng, trong khi chưa thể ngăn cấm triệt để tận gốc, ngoài công tác tuyên truyền, xử lý, cần có quy định thời gian hoạt động, phân luồng, phân tuyến cho loại phương tiện này. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý liên quan cũng cần thống kê đầy đủ các cơ sở sản xuất, lắp ráp xe công nông hiện có trên địa bàn để kiểm tra quy trình kỹ thuật và chủ động công tác đăng ký và quản lý phương tiện. Các cơ sở đào tạo lái xe chủ động chiêu sinh, tổ chức đào tạo, sát hạch cấp giấy phép cho những người điều khiển loại phương tiện này nhưng chưa có giấy phép lái xe.
Lê Anh