Chính trị

Tin tức

Bộ trưởng biểu quyết qua iPad, phiên họp Chính phủ diễn ra chỉ 10 phút

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lần đầu tiên áp dụng hệ thống e-Cabinet trong thảo luận, biểu quyết và lấy ý kiến, phiên họp đặc biệt do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn ra chỉ trong vòng 10 phút.

Sáng 24/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo và thành viên Chính phủ dự lễ khai trương Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet).

Sau lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên sử dụng hệ thống e-Cabinet.

Các đại biểu nhấn nút khai trương hệ thống e-Cabinet.
Các đại biểu nhấn nút khai trương hệ thống e-Cabinet.


Phiên họp đầu tiên biểu quyết trên iPad

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo thành phần dự họp, theo đó những bộ trưởng nào vắng sẽ thông báo lý do và thứ trưởng dự họp thay. Những thông tin này đồng thời hiển thị trên hệ thống điện tử.

Với những thành viên Chính phủ xin vắng vì bận công tác, hệ thống hiện rõ những người dự thay.

Tham dự phiên họp đầu tiên của Chính phủ trên hệ thống e-Cabinet có Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và nhiều lãnh đạo địa phương.

Phiên họp
Phiên họp "đặc biệt" của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì kéo dài chưa đến 10 phút.


Chủ trì, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết phiên họp sẽ có nội dung biểu quyết dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng nghị định quy định xác thực và định danh điện tử.

Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ báo cáo tóm tắt nội dung lấy ý kiến trước khi các thành viên Chính phủ biểu quyết, cơ quan chủ trì soạn dự thảo không cần trình bày thêm.

Sau đó, do không thành viên Chính phủ nào có ý kiến khác nên Thủ tướng đề nghị biểu quyết qua iPad. Với những thành viên Chính phủ không dự họp trực tiếp sẽ tham gia biểu quyết từ xa.

Kết quả biểu quyết được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng báo cáo ngay sau đó.

Các bộ trưởng, thành viên Chính phủ thao tác biểu quyết trên iPad.
Các bộ trưởng, thành viên Chính phủ thao tác biểu quyết trên iPad.

Ông Dũng cho biết có 25/27 thành viên Chính phủ biểu quyết đồng ý với dự thảo nghị quyết do Bộ Thông tin và Truyền thông trình. Trong đó, 21 thành viên Chính phủ dự họp trực tiếp và biểu quyết, 4 người vắng mặt biểu quyết từ xa.

Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ làm thủ tục trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết. Chỉ hơn một phút sau, thủ tục hoàn thành, Thủ tướng dùng iPad ký phát hành dự thảo nghị quyết trên nền điện tử ngay lập tức.

Tổng thời gian, phiên họp kéo dài chưa đến 10 phút.


Thay đổi nhận thức của người đứng đầu

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh việc khai trương hệ thống e-Cabinet là minh chứng thể hiện quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử của Thủ tướng và Chính phủ.

Đây cũng là bước đi quan trọng hướng tới Chính phủ không giấy tờ, nhằm mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.


Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, việc đưa e-Cabinet vào sử dụng giúp giải quyết nhiều thủ tục hành chính các phiên họp của Chính phủ, biểu quyết nhanh hơn và sử dụng rất tiện lợi thông qua thiết bị di động. Cũng theo Bộ trưởng Nha, hệ thống còn giúp tiết kiệm chi phí và thời gian, đặc biệt, tạo ra sự minh bạch.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.



Thiếu tướng Lê Đăng Dũng (quyền Chủ tịch kiêm Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội - Viettel) cho biết tất cả thành phần của hệ thống e-Cabinet do Viettel thiết kế và làm chủ. Vì vậy, doanh nghiệp này cam kết đảm bảo hệ thống vận hành nhanh, an toàn và hiệu quả nhất, đảm bảo tuyệt đối an toàn thông tin và mạng lưới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận hiện nay các phiên họp Chính phủ còn dài, tài liệu phục vụ phiên họp chủ yếu là tài liệu giấy.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hệ thống e-Cabinet ra đời có một ý nghĩa hết sức quan trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hệ thống e-Cabinet ra đời có một ý nghĩa hết sức quan trọng.


“Việc in, chụp, gửi nhận rườm rà, gây tốn kém thời gian, kinh phí; việc gửi phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ bằng giấy vừa chậm, vừa tốn kém, thành viên Chính phủ đi công tác hoặc vắng mặt tại cơ quan thì không xử lý được”, người đứng đầu Chính phủ nêu thực tế.

Từ đó, ông cho rằng hệ thống e-Cabinet ra đời có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử theo hướng thực chất, hiệu quả, nói đi đôi với làm.

Theo người đứng đầu Chính phủ, hệ thống giúp chuyển phương thức làm việc của Chính phủ từ văn bản giấy sang môi trưởng điện tử, sử dụng văn bản điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả; tạo sự lan tỏa, góp phần thay đổi nhận thức và hành động của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Đặc biệt, giảm thời gian và nâng cao chất lượng các phiên họp Chính phủ, tăng tính kịp thời, hiệu quả trong xử lý công việc của Chính phủ.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tích cực sử dụng hệ thống e-Cabinet để thực sự tạo ra hình mẫu lan tỏa từ Chính phủ, các thành viên Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương trong ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc hàng ngày.


Hoài Thu (Zing)

 

Có thể bạn quan tâm