Sức khỏe

Tin tức

Bộ Y tế: Trên 70% trường hợp tử vong do Covid-19 chưa tiêm vaccine

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những trường hợp tử vong chủ yếu là người mắc bệnh nền, người già, trong đó phần lớn (trên 70%) là người chưa tiêm vaccine. Hiện nay, số ca bệnh nặng giảm sâu (giảm đến 2/3) so với thời kỳ đỉnh dịch.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 giúp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong. Ảnh: TTXVN/Vietnam+
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đợt dịch thứ 4 (từ tháng 4/2021) với chủng virus Delta và hiện nay là chủng Omicron, đa nguồn lây, đa ổ bệnh và đã xâm nhập sâu trong cộng đồng.
Số ca nhiễm, đặc biệt là cần chăm sóc y tế tăng vọt trong thời gian rất ngắn, tạo ra áp lực lên hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, gây ra tình trạng quá tải, thậm chí khủng hoảng y tế cục bộ ở một số thời điểm.
Theo thống kê, thời kỳ đỉnh dịch (tháng 8, 9/2021) số ca tử vong khoảng 300-350 ca/ngày, đến nay số ca tử vong xuống còn trên dưới 200 ca/ngày. Những trường hợp tử vong chủ yếu là người mắc bệnh nền, người già, trong đó phần lớn (trên 70%) là người chưa tiêm vaccine. Hiện nay, số ca bệnh nặng giảm sâu (giảm đến 2/3) so với thời kỳ đỉnh dịch.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có 85% trường hợp tử vong là chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022, ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho hay trên địa bàn hiện có hơn 56.000 trường hợp mắc COVID-19 điều trị ở tầng 1, chiếm 95% là thể nhẹ, trong đó có hơn 48.000 trường hợp thể nhẹ điều trị tại nhà. Trong 9 tháng qua thành phố Hà Nội có hơn 500 ca tử vong do COVID-19, trong đó 85-87% số tử vong là người già, người có bệnh nền, người chưa tiêm chủng. Hà Nội hiện nay còn hơn 1.200 người bệnh mắc COVID-19 trong tình trạng nặng tại 30 quận huyện.
Theo đánh giá, số ca nhiễm và tử vong/triệu dân dù tăng nhanh so với năm 2020 nhưng vẫn được kìm giữ ở mức trung bình thấp so với toàn cầu. Tỷ lệ tử vong của các nhóm tuổi trên tổng số ca tử vong là: 0-2 tuổi là 0,19%; 3-13 tuổi là 0,06%; 13-17 tuổi là 0,09%; 18-49 là gần 17,9%; 50-64 là khoảng 38,72%; trên 65 tuổi là 43,04%. Tỷ lệ tử vong tại Thành phố Hồ Chí Minh là 4%, An Giang: 3%, Tiền Giang: 2,7%, Long An: 2%...
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, số ca nhiễm COVID-19 trong giai đoạn vừa qua tăng rất nhanh do biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, đột ngột, gây quá tải hệ thống y tế của một số địa phương. So với thời kỳ tháng 8, 9/2021, số tử vong hiện đã giảm song vẫn ở mức cao (trên 200 ca/ngày). Các trường hợp tử vong chủ yếu là người già, người có bệnh nền, trong đó phần lớn chưa được tiêm đủ vaccine.
Vì vậy, thời gian tới ngành y tế vẫn tập trung công tác phòng chống dịch; nâng cao năng lực điều trị, giảm nguy cơ các ca mắc COVID-19 chuyển nặng và tử vong đồng thời có phương án sẵn sàng các trạm y tế lưu động tại các địa bàn khi dịch diễn biến phức tạp.
Bộ Y tế cũng nỗ lực bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cho điều trị; bảo đảm tất cả mọi người nhiễm virus SARS-CoV-2 đều được quản lý, chăm sóc y tế phù hợp, được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh và sớm ngay tại địa bàn và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, không để sót người có bệnh nền, tuổi cao; nhất là việc hoàn thành tiêm phủ mũi 3.
Trong giai đoạn bình thường mới, hiện nay các địa phương trên toàn quốc tập trung triển khai chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ, thực hiện phân loại, sàng lọc các đối tượng theo Quyết định 5525/QĐ-BYT hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và xử trí, cách ly, điều trị.
T.G (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm