(GLO)- Một tháng nghỉ Euro là khoảng thời gian bóng đá Việt Nam học. Học chuyên môn và những vấn đề về chiến thuật trong một giải đấu đẳng cấp như Euro là chuyện đương nhiên, không chỉ với bóng đá Việt Nam mà với bóng đá trên khắp hành tinh. Tuy nhiên điều đấy có thể xa vời bởi không thể một sớm một chiều mà cần phải có thời gian vì tất cả những đội bóng tham dự VCK Euro 2012 đại diện quốc gia có trình độ bóng đá phát triển cao hơn chúng ta nhiều.
Điều thiết thực nhất mà bóng đá Việt Nam phải nhìn và học ngay là cách mà những nhà tổ chức chuyên nghiệp (UEFA) trị bạo lực và những hành vi phản bóng đá đang nảy sinh và có nguy cơ trở thành “dịch” như kiểu bóng đá Việt Nam hiện nay đang gặp phải.
Ảnh: Hà Ngọc Chính |
Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người yêu bóng đá Việt Nam bỏ xem bóng đá trong nước để hướng đến bóng đá quốc tế bởi càng xem càng tức! Phản ứng như vậy chưa hẳn là tích cực nhưng họ có lý lẽ riêng và đấy là điều mà những nhà tổ chức bóng đá Việt Nam phải nhìn lại mình…
Chủ nhật vừa rồi trên sân Pleiku, khi mà các cầu thủ HAGL ghi bàn thắng rút ngắn tỷ số cũng là lúc các cầu thủ SL.NA áp dụng lối bóng đá “chém đinh chặt sắt”. Đỉnh điểm của những pha bóng bạo lực là hình ảnh trung vệ Sơn Hà tung đòn kung-fu hạ đo ván Đoàn Marcelo vào những phút đá bù giờ khiến những ai có mặt trên sân và những người xem trận đấu qua màn ảnh ti vi không khỏi rùng mình. Trước đó trong một pha phản công nhanh, chủ nhà HA.GL đã có bàn thắng rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2. Từ pha bóng dẫn đến bàn thua này, HLV Nguyễn Hữu Thắng vội chạy vào sân và có những hành động, lời lẽ thóa mạ trợ lý trọng tài.
Lý do HLV Thắng phản ứng dữ dội với bàn thua bởi có một cầu thủ SL.NA đang nằm sân nhưng trọng tài không cho dừng trận đấu. Theo quan sát của chúng tôi, đây là hành động “ăn vạ, câu giờ” nên trọng tài vẫn cho trận đấu tiếp tục. Trong trường hợp này, nếu far-play, các cầu thủ SL.NA nên đá bóng ra ngoài sân để săn sóc viên vào sân. Không làm được điều đấy, chủ nhà HA.GL đoạt bóng phản công và ghi bàn là hoàn toàn hợp lý. Cho rằng mình bị xử ép, không chỉ cầu thủ xứ Nghệ mà cả HLV Nguyễn Hữu Thắng bỏ khu vực kỹ thuật chạy vào sân vung tay chỉ mặt trọng tài. Một hành động không thể chấp nhận trước đông đảo khán giả có mặt trên sân cũng như khán giả xem trực tiếp trên truyền hình!
Điều đáng nói nữa là căn bệnh đổ thừa. Ở vòng đấu thứ 18, V.Hải Phòng đã có trận thua gọi là “lấm lưng trắng bụng” trước TĐCS ĐT 0-3. Lẽ ra phải “tâm phục khẩu phục” đối phương, cầu thủ Hải Phòng và HLV Lê Thụy Hải đã không tiếc lời mạt sát trọng tài. Đỉnh điểm là một nhóm cổ động viên Hải Phòng đã dùng xe đuổi theo và hành hung trọng tài Võ Minh Trí trên đường trở về TP. Hồ Chí Minh.
Trở lại trận đấu trên sân Pleiku vòng 20 giữa HA.GL và SL.NA, chúng tôi có lời khen tổ trọng tài vì những quyết định dũng cảm của mình, rất đúng luật. Tuy nhiên chúng tôi không khỏi băn khoăn bởi tại sao những hành động thóa mạ trọng tài, “đình công” bỏ dở trận đấu cùng những hành vi bạo lực như kiểu triệt hạ lẫn nhau không ngừng gia tăng và lặp đi, lặp lại khiến bóng đá Việt Nam vô cùng thiếu chuyên nghiệp.
Tạm nghỉ hơn một tháng Euro để “cùng ăn, cùng ngủ bóng đá”, theo chúng tôi đấy là khoảng thời gian cần thiết để bóng đá Việt Nam học cách tổ chức chuyên nghiệp-nhất là cách trấn áp những hành vi phản bóng đá!
Hà Ngọc Chính