Các giải đấu sẽ bao giờ và trở lại như thế nào? Ảnh:Getty
Sẽ có rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi các nhà chức trách đang cố gắng đưa các giải đấu hàng đầu thế giới như Premier League, La Liga, Serie A trở lại.
Các giải đấu hàng đầu thế giới như Premier League, La Liga, Serie A, Ligue 1, Bundesliga… đang lên kế hoạch dự kiến trở lại trong 1,2 tháng tới. Tuy nhiên, họ sẽ phải trả lời được hàng tỷ câu hỏi đang đặt ra “làm như thế nào”?
Nhiều kịch bản được đưa ra thảo luận như không khán giả, thi đấu tập trung tại một địa điểm… Tuy nhiên, nó có thực sự phù hợp với vấn đề tài chính và tiêu chí đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng?
Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha (RFEF) cho biết, tổng thiệt hại khi không kết thúc mùa giải có thể lên tới gần 879 triệu bảng, nếu thi đấu không khán giả sẽ mất khoảng 260 triệu bảng. Thiệt hại kinh tế là rõ ràng nhưng không thể vì tiền bạc mà nhắm mắt, gây nguy hại tới sức khỏe con người.
Premier League phải đối mặt với những thách thức lớn về hậu cần và y tế khi bắt đầu lại mùa giải. Toàn bộ nhân viên hỗ trợ có thể phải ở trong các khách sạn trong ít nhất 40 ngày để giảm thiểu rủi ro nhiễm COVID-19, chi phí phát sinh khoảng 500.000 bảng.
Điều đó không thực tế đối với nhiều đội bóng nhỏ như Accrington, đội bóng đang chơi tại League One: “Chúng tôi sẽ tốn nửa triệu bảng để kết thúc mùa giải này. Không, tôi thà sử dụng số tiền đó để xây dựng lại đội bóng còn hơn. Dù có xuống hạng, Accrington vẫn tồn tại”, ông chủ Holt chia sẻ...
Bên cạnh tài chính, khi giải đấu trở lại, mối quan tâm hàng đầu là sức khỏe con người. Không khán giả nhưng cũng phải có khoảng 300-500 người, bao gồm an ninh, nhân viên, nhân viên y tế, cầu thủ, trọng tài và phương tiện truyền thông.
Vậy làm thế nào để bảo vệ lực lượng này, nhất là những người trên 50 tuổi, như huấn luyện viên Crystal Palace, Roy Hodgson (72 tuổi)?
“Nếu cầu thủ gặp chấn thương, chúng tôi sẽ gửi anh ta ở đâu? Không thể đến bệnh viện thuộc hệ thống Dịch vụ y tế Anh (NHS), còn các bệnh viện tư nhân không tiếp nhận. Nếu có thì câu hỏi đặt ra là liệu anh ta có thể quay lại nhóm cách ly tại một khách sạn hay không?”, Phó Chủ tịch West Ham, Karren Brady chia sẻ mối lo ngại.
Một câu hỏi khác được rất nhiều người quan tâm là cách “cư xử” nào cho những người từng dương tính với COVID-19 và giải pháp gì khi không may có người nhiễm virus SARS-CoV-2 trong thời gian đó?
Bác sĩ Bharat Pankhania, Đại học Y khoa Exeter, cho biết: “'Nếu bây giờ người chơi A đã loại bỏ virus, tôi sẽ chỉ biết chắc chắn nếu người chơi B, C, D và E không nhiễm sau 14 ngày. Bạn có thể kiểm tra âm tính hôm nay nhưng bạn có thể ủ virus và 3 ngày sau mới phát bệnh, lúc đó, bạn sẽ lây nhiễm cho mọi người”…
Không chỉ các nhà quản lý, người hâm mộ cũng rất mong muốn môn thể thao vua sớm trở lại nhưng sẽ là đáng trách nếu các câu hỏi tại sao, làm như thế nào không được giải quyết một cách tối ưu nhất.
Minh Đăng (LĐO)