Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản nói chung và nông sản nói riêng đến hết tháng 11 ghi nhận nhiều kỷ lục với giá trị đạt gần 57 tỉ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, riêng nông sản (gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, rau quả...) đạt gần 30 tỉ USD, tăng 23% so với cùng kỳ. Ngoài ra, năm nay, Việt Nam đã mở cửa thị trường rất tốt cho một số trái cây như dừa tươi xuất khẩu Trung Quốc, chanh dây sang Mỹ, bưởi sang Hàn Quốc..., từ đó giúp gia tăng giá trị xuất khẩu. Với ngành gạo, "Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" đã được thí điểm thành công ở một số vùng, đưa sản phẩm gạo sản xuất theo đề án này ra thị trường.
Đáng chú ý, nhờ đầu ra của trái sầu riêng thuận lợi, không chỉ năm nay mà 1-2 năm trước, nhiều nhà nông đã trở thành tỉ phú, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Riêng khu vực Tây Nguyên còn có cà phê, hồ tiêu, chanh dây... cũng là những mặt hàng tiềm năng.
Ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, chỉ 2 năm qua đã có hơn 1.000 ô tô được nông dân sắm mới, chủ yếu từ nguồn tiền bán sầu riêng. Mới đây, một nông dân ở tỉnh Đắk Nông gọi điện khoe vừa thu được tiền tỉ khi bán cà phê ở giá 131.000 đồng/kg, đạt mức lợi nhuận rất lớn.
Tôi thường nhắc các tỉ phú nông dân nhớ về bài học cây hồ tiêu trước đây. Khi giá hồ tiêu tăng nóng lên hơn 200.000 đồng/kg, nhiều người tiếp tục vay vốn để mở rộng, nhưng rồi khi thu hoạch, giá rớt xuống dưới 50.000 đồng/kg. Kết cục là không ít nông dân đổ nợ. Do đó, nông dân nên thận trọng trong việc đầu tư mở rộng diện tích để bảo toàn tài sản.
Một trăn trở khác của tôi trong nhiều năm gắn bó với nông nghiệp là nhiều nông dân trồng rau quả vẫn quen với việc bán tươi, ít chú ý bảo quản và chế biến sau thu hoạch. Đây là ngành vô cùng tiềm năng nhưng việc khai thác vẫn ở mức sơ khởi. Trong khi đó, các nước có thể thu hoạch cam, táo một mùa rồi bán quanh năm với hàng trăm mặt hàng chế biến, giúp gia tăng giá trị và tránh áp lực bán ngay. Đây là một vấn đề lớn mà ngành rau quả và nông sản nói chung cần tiếp tục nghiên cứu, đầu tư để nâng cao giá trị nông sản, đưa thương hiệu nông sản Việt ra thế giới nhiều hơn nữa.
Năm 2024 là năm đầy biến động của ngành nông sản. Ngay từ đầu năm, tình hình hạn hán nặng đã tác động không chỉ đến các nước sản xuất nông sản lớn trên thế giới như Ấn Độ, Brazil, Indonesia..., mà còn cả Việt Nam. Đã có lúc nhiều doanh nghiệp cà phê cạn kho, không có hàng để bán; hay nhiều nhà vườn sầu riêng bị sụt giảm sản lượng đến 50%, dẫn đến xuất khẩu dù tăng nhưng không đạt kỳ vọng.
Bên cạnh đó còn có một số yếu tố lớn tác động đến xuất khẩu nông sản năm nay. Đó là Liên minh châu Âu (EU) đưa ra nhiều quy định mới liên quan giảm phát thải, hướng đến trung hòa carbon. Nhà vườn, nhà máy nào đáp ứng yêu cầu thì có ưu thế, còn những đơn vị khác cũng có lực kéo để chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh hóa nhằm thích ứng với thị trường.
Theo Ngọc Ánh (NLĐO)