Bụng bé gái to lên tưởng béo,mẹ sốc khi con phải cắt buồng trứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

1 tháng nay, thấy con gái bụng to lên nhanh dù chưa dậy thì, gia đình hoang mang đưa con đi khám, bác sĩ yêu cầu phải nhập viện phẫu thuật gấp.
 

Bụng bệnh nhi to lên bất thường trong 1 tháng trở lại đây



Chị Đào Thị Phấn ở Mỹ Hào, Hưng Yên chia sẻ, con gái Nguyễn Linh C., 12 tuổi mấy tháng nay hay kêu đau bụng bên phải nhưng qua loa rồi lại khỏi.

Khoảng 1 tháng nay, chị thấy bụng con gái to lên bất thường, ban đầu nghĩ con gái béo do tăng cân nên gia đình không để ý. Đúng dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, cháu C. đau bụng mãi không dứt kèm sốt cao. Phòng khám gần nhà nghi cháu bị viêm ruột thừa nên khuyên gia đình đưa lên tuyến trên điều trị.

Khi chuyển đến BV Việt Đức, qua kết quả thăm khám, bác sĩ kết luận cháu C. bị u nang buồng trứng bên phải, chỉ định phẫu thuật cắt bỏ.

“Khi nghe bác sĩ nói con gái có u, tôi rất sốc. Cháu còn bé quá lại chưa dậy thì nên gia đình không ai nghĩ tới điều này”, chị Phấn kể lại.

TS.BS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh, BV Việt Đức cho biết, trường hợp của cháu C. đến bệnh viện khá muộn, khối u đã xâm chiếm toàn bộ ổ bụng, kích thước gần 20cm. Khối u quái lại phát triển trên buồng trứng phải nên bác sĩ sẽ phải cắt toàn bộ một bên buồng trứng.

Ca phẫu thuật được thực hiện trong chiều 7/5, kéo dài trong gần 2 giờ. Dù khối u rất to nhưng sau hội chẩn, bác sĩ vẫn quyết định mổ nội soi để đảm bảo thẩm mĩ khi bé lớn lên. Theo đó, bác sĩ hút nang nước trước, sau đó cắt nhỏ từng phần khối u. Mẫu bệnh phẩm sẽ được gửi xét nghiệm sinh thiết xác định u lành tính hay ác tính. Sau khi hồi phục, bệnh nhi sẽ cần theo dõi ít nhất 15 năm nữa.

Theo BS Hoa, trường hợp khối u của bệnh nhi C. hình thành từ tế bào mầm trong bào thai, nhưng do từ bé, bệnh nhi không phải vào bệnh viện chụp chiếu nên không phát hiện ra. Khi lớn lên, các dấu hiệu cũng rất âm thầm và mơ hồ, thỉnh thoảng cháu bé đau bụng nhưng bố mẹ lại nghĩ con rối loạn tiêu hoá, mua men về cho uống.

Với khối u quái buồng trứng (chứa răng, lông, tóc, xương...) bên trong, nếu phẫu thuật muộn có thể gây các biến chứng nguy hiểm như xoắn, vỡ, nhiễm trùng hoặc hoá khối u ác tính.
 
BS Hoa cho hay, các trường hợp bé gái có khối u buồng trứng, u quái buồng trứng hay u nang buồng trứng hiện nay không quá hiếm, thậm chí nhiều trẻ sơ sinh hoặc trẻ 2-3 tháng tuổi đã phát hiện hiện khối u, có trường hợp ác tính.


 

BS Nguyễn Việt Hoa khuyến cáo cha mẹ thường xuyên chú ý đến bộ phận sinh dục của con cùng các triệu chứng bất thường như bụng to bất thường, đau tức vùng hạ vị... cần đi khám ngay




Tuy nhiên, do rất nhiều bé gái được phát hiện ở giai đoạn muộn, bác sĩ buộc phải cắt một bên buồng trứng, gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này.

BS Hoa cho biết, không chỉ có u buồng trứng, ở trẻ em cũng xuất hiện nhiều bệnh lý đường tiết niệu, sinh dục khác như thận ứ nước, phình to niệu quản, đái rỉ, lỗ tiểu lệch thấp, vùi lấp dương vật, u thận...

Các dị tật này ở trẻ em diễn tiến rất nhanh, càng nhỏ tuổi bệnh càng nặng và làm thay đổi hình dạng hoặc chức năng của một hoặc nhiều bộ phận trong cơ thể. Tại BV Việt Đức từng phẫu thuật cho bệnh nhi bị u thận khi mới 1 tháng tuổi.

Do đó để phát hiện sớm u buồng trứng hoặc các dị tật tiết niệu, sinh dục khác, cha mẹ cần quan sát sát bộ phận sinh dục bên ngoài của con, khi có bất thường như đau tức vùng hạ vị, bụng to bất thường hoặc hay đau bụng thì cần đưa con đi siêu âm, sàng lọc.


 


Ngày 18/5, khoa Phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh, BV Việt Đức sẽ tổ chức khám sàng lọc, tư vấn và siêu âm miễn phí dành cho trẻ em nhằm phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh hệ sinh dục – tiết niệu như: Hẹp bao quy đầu, lún dương vật, lỗ đái thấp, rò niệu đạo, cong vẹo dương vật, dương vật nhỏ, thoát vị bẹn, ẩn tinh hoàn, giãn tĩnh mạch tinh, thận ứ nước, giãn thận, giãn niệu quản, trào ngược bàng quang niệu quản...

Ngoài ra, các bác sĩ sẽ khám và tư vấn các bệnh lý tiêu hóa và các khối u bẩm sinh; các dị tật tay chân, lồng ngực (thừa ngón, biến dạng chi, lõm xương ức…)

Đặc biệt các gia đình thuộc diện chính sách, vùng sâu vùng xa sẽ được khoa hỗ trợ một phần kinh phí đi lại.


Thúy Hạnh (VIE)

Có thể bạn quan tâm