Thức ăn mất vệ sinh là một trong những nguyên nhân gây dịch tả |
Tại Bình Định, đã có 676 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung ở thành phố Quy Nhơn và các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát. Đến nay, tỉnh Bình Định đã có 2 trường hợp trẻ em tử vong do sốt xuất huyết. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bình Định nhận định, với số ca mắc sốt xuất huyết ở độ 3, 4 tăng cao trong thời gian qua, nguy cơ số ca tử vong sẽ còn tiếp tục tăng.
Tại Phú Yên, có gần 930 ca mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong tại thành phố Tuy Hòa. Ngành y tế tỉnh đã mở chiến dịch tổng vệ sinh, xử lý 36 ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ, nhưng do thời tiết nắng nóng, thiếu điện, nước nên bà con phải trữ nước dẫn đến bọ gậy, muỗi phát sinh mạnh. Ngày 6-7, tỉnh Phú Yên công bố dịch sốt xuất huyết tại một số địa phương, đồng thời nghiêm cấm việc điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà trong suốt thời gian có dịch.
Trong khi đó, liên tục trong những ngày gần đây, bệnh sốt xuất huyết cũng bùng phát tại thành phố Pleiku và một số huyện của tỉnh Gia Lai như: Chư Pưh, Ia Grai và thị xã An Khê. Tại thành phố Pleiku, 1 cháu bé 9 tuổi tử vong do sốt xuất huyết và trên 150 người mắc bệnh. Bệnh viện Đa khoa thành phố Pleiku đang bị quá tải khi số người nhập viện vì sốt xuất huyết ngày càng đông.
Tiến sĩ Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Quy Nhơn nhận định, hiện nay, mật độ bọ gậy và muỗi ở các tỉnh khu vực miền Trung tăng cao, diễn biến dịch bệnh rất phức tạp. Có nhiều nguyên nhân, trong đó thời tiết có nắng có mưa là điều kiện thuận lợi cho loại muỗi vằn phát sinh và phát triển, trong khi hiệu quả hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết của các địa phương chưa cao.
Trong khi đó, ngày 7-7, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, chính thức xác nhận tỉnh Thanh Hóa có bệnh nhân tả đầu tiên. Đây là một bệnh nhân nữ 38 tuổi, tại thôn 9, xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng phát hiện 3 ca mắc tả mới. Tại Bạc Liêu, ghi nhận 2 trường hợp bệnh nhi dương tính với phẩy khuẩn tả. Tại Hà Nội cũng có thêm 5 trường hợp tiêu chảy cấp có xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả.
Qua điều tra dịch tễ, phần lớn những trường hợp mắc tả và tiêu chảy cấp nguy hiểm nhập viện đều liên quan đến thức ăn đường phố, thịt chó, rau sống, nước đá, nước hoa quả… Những nghiên cứu và điều tra mới nhất của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy, độc lực của khuẩn tả đang lưu hành ở nước ta đang gia tăng, với khả năng gây bệnh cảnh lâm sàng nặng hơn, có số người lành mang trùng và thời gian mang trùng nhiều và dài hơn, khả năng tồn tại lâu hơn trong môi trường. Với đặc tính này, khả năng gây bệnh và lây lan của khuẩn tả sẽ cao hơn.
Trước nguy cơ dịch tả lan nhanh, Bộ Y tế chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ địa phương trong công tác phòng chống bệnh tả. Tập trung xử lý triệt để ổ dịch, giám sát chặt chẽ các trường hợp tiêu chảy cấp, điều tra thực phẩm và nguồn nước liên quan, không để lan rộng ra cộng đồng; tuyên truyền cho người dân các biện pháp chủ động để phòng chống bệnh tiêu chảy cấp.
Cục Y tế Dự phòng cũng khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm việc ăn chín, uống sôi; tuyệt đối không ăn các loại thức ăn chưa nấu chín như rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chạo, nem chua; không uống nước lã vì đây là những thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây các bệnh đường ruột, trong đó có bệnh tả. Đặc biệt, trong thời gian này với các thí sinh đang dự thi đại học, cao đẳng, nên hạn chế sử dụng thức ăn đường phố.
Theo VOV