Bạn đọc

Buồn vui nghề lái xe khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghề nào cũng cao quý. Chuyện quanh chủ đề này có nhiều niềm vui nhưng cũng lắm nỗi buồn. Đặc biệt, khi số lượng xe cá nhân tăng lên đáng kể thì tần suất hoạt động của các xe khách giảm đi nhiều lần. Tuy vậy, kết thúc mỗi hành trình, hình ảnh bác tài ngồi sau tay lái cùng sự tận tình với khách hàng sẽ là những kỷ niệm đẹp in dấu nơi đã đi qua.

Đó là cơ duyên

Xã hội phát triển, đời sống và nhu cầu đi lại của con người tăng lên. Nhu cầu có những chuyến đi ngắn ngày đến các địa phương là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của loại hình du lịch xe khách 16 chỗ ngồi. “Mỗi bác tài đến với nghề mang một cơ duyên và câu chuyện khác nhau. Hai chữ “cơ duyên” đối với tôi bắt nguồn từ niềm yêu thích”-anh Nguyễn Thế Duy (Dịch vụ Tourist Thế Duy) chia sẻ. Ngay khi còn là một cậu bé, món đồ chơi mà anh yêu thích là xe ô tô các loại. Lớn hơn một chút, cảm thấy thích thú với nghề xe, anh đã theo anh trai là tài xế xe tải để học tập kinh nghiệm. Anh nhanh chóng tiếp thu được nhiều điều hay và đến năm 2002 (khi 24 tuổi) đã tự mua xe 16 chỗ và nhận chở khách theo hợp đồng, bắt đầu công việc của riêng mình. Đến nay, hơn 14 năm cầm vô lăng, anh Thế Duy đã đưa nhiều đoàn khách đi đến nhiều nơi trong cả nước, thời gian hợp đồng từ vài ngày đến vài chục ngày.

 

 Anh Nguyễn Thế Duy bên chiếc xe của mình. Ảnh: T.U
Anh Nguyễn Thế Duy bên chiếc xe của mình. Ảnh: T.U

Còn với anh Khánh Phương (SN 1981, trú tại tỉnh Đak Lak, tài xế tuyến Gia Lai-Buôn Ma Thuột) nghề lái xe khách lại được xem như duyên trời định. Có dịp gặp anh trên chuyến xe sang Buôn Ma Thuột tập huấn ngắn ngày, ngồi trước vô lăng, anh kể: Năm anh còn là sinh viên của Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm (Gia Lai), cũng trên chuyến xe Gia Lai-Đak Lak, anh được ngồi cạnh bác tài. Đoạn đường khi ấy không được thuận lợi, xe liên hồi chao đảo khiến anh rất lo lắng. Không biết làm gì hơn, anh Phương quan sát từng hành động của bác tài và được giải đáp cặn kẽ. Chàng sinh viên Khánh Phương cảm thấy thích thú và dành nhiều thời gian để tìm hiểu về cơ chế hoạt động của xe ô tô. Ra trường, ngoài việc đi “rải hồ sơ” ở các cơ quan, doanh nghiệp, anh xin làm “lơ xe” để học tập thêm. Mải mê trên từng chuyến xe, anh quên luôn cả tấm bằng đại học. Dù gặp phải sự ngăn cản của gia đình nhưng với số vốn tích cóp, cộng tiền vay mượn, Khánh Phương trở thành người lái xe khách chuyên nghiệp, kiếm tiền  bằng chính chiếc xe của mình. Anh Phương tâm sự, nghề này không gò bó khuôn khổ, vì thế, nghề rèn giũa sự tự chủ trong công việc cũng như trong cuộc sống để con người được hoàn thiện hơn. Đó là lý do anh bỏ quên tấm bằng đại học để đến với “nghiệp cầm lái” mà không có chút hối tiếc nào.

Buồn vui với nghề

 

“Ban đầu không nhiều xe khách phục vụ người dân, chỉ đến năm 1986, xe khách mới thực sự được đầu tư bài bản và phát triển”-ông Đỗ Chiến Đấu-chuyên viên kinh tế vận tải Bến xe Đức Long Gia Lai nhớ lại. Gia nhập ngành vận tải tỉnh nhà từ năm 1975, trải qua 40 năm cống hiến, ông là người chứng kiến sự “trưởng thành” vượt bậc của ngành vận tải tỉnh nhà nói chung và vận tải hành khách nói riêng.

Những bác tài xe khách đi nhiều nơi, gặp nhiều người và biết nhiều điều hay. Quan trọng hơn là được khách hàng tin tưởng lựa chọn. Hơn 10 năm trong nghề, giờ đây, khách từ Gia Lai sang Đak Lak và các huyện lân cận đều đã quen thuộc với bác tài Khánh Phương. Các em sinh viên gọi anh là “Chú tử tế” vì sự điềm đạm trong cách chạy xe cũng như sự nhỏ nhẹ trong lời ăn tiếng nói. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc nhiều bác tài xe khách mong đợi.

Nói về nghề, hầu hết các bác tài đều tặc lưỡi: “Vất vả lắm!”. Nghề lái xe là làm dâu trăm họ, không phải khách nào cũng tử tế và dễ tính như nhau, vì vậy phải đảm bảo an toàn hành trình, làm hài lòng khách hàng là việc không đơn giản. Nghề này đi nhiều, ít có thời gian dành cho gia đình, đặc biệt vào những ngày lễ, Tết. Bởi thế sự hậu thuẫn từ phía gia đình, sự chia sẻ từ người vợ là rất quan trọng để các bác tài vững tay lái… Ấy là chưa kể đến những nguy hiểm luôn “rình rập” trên đường đi khiến không ít bác tài lo ngại…

Nghề nào cũng cao quý. Chuyện quanh chủ đề này có nhiều niềm vui nhưng cũng lắm nỗi buồn. Đặc biệt, khi số lượng xe cá nhân tăng lên đáng kể thì tần suất hoạt động của các xe khách giảm đi nhiều lần. Tuy vậy, kết thúc mỗi hành trình, hình ảnh bác tài ngồi sau tay lái cùng sự tận tình với khách hàng sẽ là những kỷ niệm đẹp in dấu nơi đã đi qua.

Ngân Hà

Có thể bạn quan tâm