Kinh tế

Nông nghiệp

Cà phê tăng 300.000 đồng/tấn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 28-7, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giao dịch ở 44 - 44,1 triệu đồng/tấn, hướng đến mức giá cao nhất kể từ đầu vụ.

Giá cà phê robusta các kỳ hạn trên sàn Liffe (London) mở rộng đà tăng phiên trước đó, làm giá cà phê robusta giao tại cảng FOB (HCM) cũng được điều chỉnh tăng thêm 45 USD lên 2.235 USD/tấn.

 

 

Trên sàn Liffe (London) giá cà phê các kỳ hạn tiếp tục tăng, giá cà phê robusta giao tháng 9 tăng 37 USD lên 2.246 USD/tấn, giá giao tháng 11 tăng 21 USD lên 2.200 USD/tấn.

Trên sàn ICE New York, giá cà phê arabica các kỳ hạn biến động không đáng kể so với phiên trước đó. Hợp đồng giao tháng 9 tăng nhẹ 0,05 cent, lên174,1 cent/pound. Giá giao tháng 12  tăng 0,1 cent, giao dịch ở 177 cent/pound.

Hiện tồn kho cà phê robusta của các hãng rang xay đang giảm sút nhanh, trong khi nguồn cung từ Việt Nam và Indonesia chững lại. Nguồn hàng trong dân hầu như đã hết, chỉ còn khoảng 5% tổng sản lượng vụ cũ và phải chờ đến tháng 10-11 mới cho thu hoạch vụ mới. Nguồn cung giảm khiến giá cà phê robusta trong nước và thế giới tăng mạnh.

Ngược lại, cà phê arabica nhìn chung vẫn đang chịu áp lực giảm giá khi tồn kho tiếp tục tăng cao. Sàn ICE ghi nhận mức tồn kho đã lên đến 1,76 bao ngày 26-7, cao nhất kể từ tháng 10-2010.

Bên cạnh đó, thời tiết ở Brazil trở nên khô ráo hơn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu hoạch cà phê của nước xuất khẩu cà phê arabica lớn nhất thế giới, khiến cho nguồn cung tăng mạnh.

Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, có kế hoạch tăng diện tích trồng cà phê arabica để nâng cao gấp đôi sản lượng loại cà phê này lên 96.000 tấn vào năm 2020.

Thông tin trên đã được một quan chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra với phóng viên của hãng tin Reuters vào ngày 26-7. Theo đó, Việt Nam sẽ mở rộng diện tích trồng cà phê arabica ở khu vực miền Bắc và miền Trung lên 40.000 ha trong vòng 8 năm tới. Hiện Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ nhì thế giới sau Brazil.

Theo vị quan chức nói trên, diện tích trồng cà phê arabica của Việt Nam hiện trong khoảng 32.000-32.800 ha, nhưng chưa xác định được chính xác sản lượng của loại cà phê này.

“Chúng tôi đặt mục tiêu giữ diện tích cà phê arabica ổn định ở mức 40.000 ha cho tới năm 2030”, vị quan chức trên phát biểu bên lề một hội nghị của ngành cà phê.

Cà phê arabica đòi hòi quy trình chế biến ướt để đảm bảo chất lượng của hạt. Trong khi đó, nhiều công ty chế biến cà phê trong nước lại chưa áp dụng quy trình này do nguồn vốn hạn chế và nguồn cung trong nước không ổn định.

Theo tài liệu do Reuters thu thập được, Chính phủ đặt kế hoạch nâng sản lượng cà phê arabica lên mức 96.000 tấn trong thời gian từ nay đến năm 2020, chiếm 9% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam ở thời điểm đó. Tuy nhiên, chưa có kế hoạch cụ thể về đầu tư cho việc tăng sản lượng này.

Trong khi đó, theo Tập đoàn Thái Hòa, công ty xuất khẩu cà phê arabica hàng đầu Việt Nam, Việt Nam có khả năng sẽ đạt sản lượng 120.000-150.000 tấn cà phê arabica vào năm 2020.

Theo VOV
 

Có thể bạn quan tâm