Kinh tế

Cá rô đầu vuông lên Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm tìm kiếm các đối tượng chăn nuôi mới phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao trong năm 2012, Chi cục Thủy sản Đak Lak đã đưa vào nuôi thử nghiệm mô hình cá rô đầu vuông trong ao bằng thức ăn viên tổng hợp. Qua đánh giá bước đầu, mô hình đã khẳng định cá rô đầu vuông sinh trưởng, phát triển phù hợp với điều kiện nuôi ở Đak Lak và hứa hẹn đem lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi.

Qua học hỏi mô hình từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế… Năm 2012, Chi cục Thủy sản Đak Lak đã đưa giống cá rô đầu vuông về nuôi thử nghiệm tại các huyện Buôn Đôn, Cư M’Gar, Krông Pắc và TP. Buôn Ma Thuột. Bước đầu cho thấy, cá rô đầu vuông với những đặc điểm vượt bậc về kích cỡ và tốc độ sinh trưởng so với cá rô đồng nên đối tượng này đang ngày càng được người dân quan tâm.

 

Mô hình nuôi thử nghiệm cá rô đầu vuông tại huyện Buôn Đôn. Ảnh: B.T

Thời gian qua, Chi cục Thủy sản Đak Lak tiến hành thả cá giống tại 4 mô hình đã lựa chọn thuộc các huyện Buôn Đôn, Cư M’Gar, Krông Pắc và TP. Buôn Ma Thuột, với tổng diện tích 1.000 m2 (diện tích mỗi mô hình là 250 m2). Trong quá trình theo dõi tại các hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình từ ngày 10-5-2012 đến tháng 20-8-2012 cho thấy, cá rô đầu vuông có ưu điểm là lớn nhanh và chưa xảy ra hiện tượng dịch bệnh.

Nhờ triển khai tốt quy trình lựa chọn con giống, cải tạo ao, thức ăn và quản lý chăm sóc nên cá rô đầu vuông sinh trưởng, phát triển tốt. Mật độ thả nuôi thử nghiệm là 30 con/m2 và sử dụng thức ăn viên tổng hợp hiệu Uni-President nên đòi hỏi điều kiện về nguồn nước phải đảm bảo, người nuôi phải có kinh nghiệm, kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản.

Thành công bước đầu từ mô hình nuôi thử nghiệm cá rô đầu vuông trong ao tại các hộ gia đình sẽ là một bước quan trọng để Chi cục Thủy sản khuyến khích phát triển nuôi trên diện rộng, phát huy, tận dụng tiềm năng diện tích mặt nước sẵn có để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt hiện vẫn đang còn manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh.

Theo ông Hà Đình Phùng là hộ dân tham gia thực hiện mô hình nuôi thử nghiệm tại thôn 2, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn cho biết: “Tôi nhận thấy cá rô đầu vuông lớn lên từng ngày, với tốc độ tăng trưởng như thế này thì sau 5 tháng nuôi cá có thể đạt kích cỡ thương phẩm và đạt chỉ tiêu đề ra là 6-8 con/kg”.

Hộ gia đình ông Hà Đình Phùng có trên 2 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trước đây gia đình chỉ nuôi các loại cá truyền thống nên hiệu quả không cao. Đến năm 2012, gia đình ông đã được Chi cục Thủy sản chọn làm điểm thực hiện mô hình nuôi thử nghiệm cá rô đầu vuông thương phẩm với diện tích ao 250 m2. Sau hơn 3 tháng nuôi, cá rô đầu vuông lớn nhanh, khối lượng trung bình đạt 8 con/kg. Ông Phùng chia sẻ một số kinh nghiệm: “Trong quá trình quản lý và chăm sóc, người nuôi phải đặc biệt quan tâm đến môi trường, nguồn nước đảm bảo, có hệ thống cấp thoát nước riêng và chủ động trong quá trình nuôi và độ sâu của ao phù hợp. Quy trình chăm sóc theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của các cán bộ chuyên môn thì mới cho năng suất hiệu quả cao”.

Cũng như hộ ông Hà Đình Phùng, hộ ông Phùng Duy Truyền ở thôn 1, xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar cũng được chọn làm điểm thực hiện mô hình nuôi cá rô đầu vuông, với diện tích 250 m2 ao nuôi. Sau 5 tháng dự kiến gia đình ông sẽ thu được lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng.

Đây là 2 mô hình tiêu biểu trong số 4 mô hình được chọn làm điểm nuôi cá rô đầu vuông trong năm 2012 của Chi cục Thủy sản. Với giá bán hiện tại từ 50 ngàn đồng đến 65 ngàn đồng/kg, ước tính mỗi mô hình cho lợi nhuận khoảng 15-20 triệu đồng.

Để thực hiện tốt mô hình và phát triển nhân rộng, Chi cục Thủy sản Đak Lak đã tổ chức 4 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm cho hộ dân tham gia mô hình và các hộ dân tại các huyện Buôn Đôn, Cư M’Gar, Krông Pắc và TP. Buôn Ma Thuột.

Nhằm khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Từ kết quả ban đầu của mô hình nuôi cá rô đầu vuông đã làm trong thời gian qua, trong thời gian tới Chi cục Thủy sản tiếp tục tổ chức hội nghị đầu bờ hướng dẫn tuyên truyền cho bà con nông dân ở các huyện Buôn Đôn, Cư M’Gar, Krông Pắc, TP. Buôn Ma Thuột đến nghiên cứu học tập để vận dụng đưa vào sản xuất của gia đình, góp phần thực hiện chủ trương mở rộng diện tích nuôi cá rô đầu vuông của tỉnh. Cá rô đầu vuông có nhiều đặc điểm thích hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, có khả năng nuôi trong điều kiện ao nuôi ít được thay nước, tốc độ lớn nhanh, dễ nuôi, chất lượng thịt và giá cả phù hợp với điều kiện của người tiêu dùng.

Bá Thăng

Có thể bạn quan tâm