Cà tím là thực phẩm quen thuộc, hầu như có mặt ở khắp nơi. Có người cho rằng cà tím không lành mạnh, tuy nhiên gần đây các nhà khoa học phát hiện cà tím không độc hại, ngược lại nó tốt cho sức khỏe.
Cà tím chứa nasunin - chất chống ô xy hóa mạnh, có khả năng loại trừ các gốc tự do một cách hiệu quả. Nasunin cũng được biết với tác dụng bảo vệ các chất béo trong màng tế bào não. Bên cạnh nasunin, cà tím còn có a xít chlorogenic, với đặc tính chống ung thư, kháng khuẩn và kháng vi rút. A xít chlorogenic cũng là một trong những chất tống khứ các gốc tự do mạnh nhất.
Chất xơ trong cà tím giúp làm giảm mức độ cholesterol xấu trong cơ thể, đồng thời thúc đẩy khả năng hấp thụ cholesterol tốt. Giảm lượng cholesterol xấu có thể ngăn ngừa các cơn đau tim, đột quỵ và xơ vữa động mạch. Ngoài ra, một chất dinh dưỡng thực vật khác tìm thấy trong cà tím là tecpen, được cho là có lợi cho sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu ở động vật cho thấy nước ép cà tím có tác dụng cải thiện mức độ cholesterol và làm giãn các mạch máu. Cuối cùng, các bioflavonoids trong cà tím có tác dụng giảm huyết áp, giảm căng thẳng và áp lực lên hệ thống tim mạch, giúp cải thiện sức khỏe và độ bền của tim.
Thiếu máu thường dẫn đến hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, suy nhược. Bổ sung sắt là một trong những điều cần làm để cải thiện tình trạng này. Cà tím rất giàu sắt và đồng, những thành phần thiết yếu làm tăng các tế bào hồng cầu.
Cà tím tốt cho bệnh nhân tiểu đường do chứa hàm lượng chất xơ cao và lượng carbohydrate hòa tan thấp nên có thể điều khiển được hoạt động của glucose và insulin trong cơ thể. Cà tím còn chứa đáng kể lượng chất sắt và canxi, hai chất quan trọng đối với sức khỏe của xương. Bên cạnh đó, hàm lượng kali phong phú trong cà tím còn giúp hỗ trợ việc hấp thu canxi diễn ra hiệu quả hơn.
Như các loại rau củ khác, cà tím là nguồn tuyệt vời cung cấp chất xơ cho cơ thể. Chất xơ rất cần cho hệ thống tiêu hóa, nó giúp kích thích nhu động ruột chuyển động và sự tiết dịch của dạ dày, tránh được nguy cơ táo bón.
Cà tím bổ sung hoàn hảo cho các món súp, món hầm, các món ăn phụ và nó cũng được sử dụng để thay thế thịt cho những người theo chế độ ăn chay. Nên dùng lượng vừa phải.
Mai Thương (theo Thanhnien)