Tham dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành của các tỉnh và 5 thành phố gồm: Pleiku (tỉnh Gia Lai), Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak), Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Gia Nghĩa (tỉnh Đak Nông), Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên); lãnh đạo Hiệp hội Du lịch các tỉnh cùng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh du lịch ở các địa phương.
Quang cảnh hội nghị xúc tiến du lịch. Ảnh: Quang Tấn |
Bàn giải pháp kết nối rừng-biển
Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Sung nhấn mạnh: Sau một năm ký kết hợp tác phát triển du lịch của TP. Tuy Hòa với các thành phố ở Tây Nguyên, du lịch các địa phương ở Tây Nguyên đã đạt được rất khả quan như lượng du khách tăng cao, hình ảnh phố núi Pleiku và các thành phố được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn... Tuy nhiên, du lịch của các thành phố ở Tây Nguyên (trừ Đà Lạt) vẫn còn gặp không ít khó khăn và thách thức. Thông qua hội nghị lần này, TP. Pleiku mong muốn cùng các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm quản lý Nhà nước về du lịch; tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp liên kết du lịch của 5 thành phố. Đồng thời, có giải pháp, cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch của 5 địa phương phát triển cũng như tạo điều kiện gắn kết trong hệ thống kinh doanh lữ hành, lưu trú, vận chuyển khách du lịch ở 5 thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết thêm: Pleiku có tiềm năng, lợi thế to lớn về đất đai, khoáng sản, tài nguyên và hệ động-thực vật đa dạng, phong phú. Nằm ở độ cao trung bình từ 750-800 m so với mực nước biển, Pleiku được thiên nhiên ban phú với khí hậu mát mẻ trong lành cùng nhiều cảnh quan độc đáo. Đặc biệt, với nhiều mảng cây xanh đã được địa phương chú trọng phát triển với những vành đai nông, lâm nghiệp xung quanh thành phố. Đây cũng là điều ấn tượng của du khách khi đến với phố núi Pleiku.
Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn |
Bên cạnh đó, Pleiku có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, cùng với các loại hình văn hóa truyền thống lâu đời của cộng đồng các dân tộc bản địa. Đặc biệt, Pleiku còn được biết đến với các dấu tích của miệng núi lửa âm (Biển Hồ) và miệng núi lửa dương (núi Hàm Rồng) đã tắt từ hàng triệu năm. Đây là những tiềm năng để TP. Pleiku phát triển các ngành kinh tế công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông lâm nghiệp và phát triển du lịch.
“Chúng tôi hy vọng rằng sau hội nghị này, các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch của 5 thành phố sẽ có những nhận thức đúng hơn, tích cực hơn, cùng đồng hành trong việc liên kết phát triển du lịch, quảng bá, giới thiệu hình ảnh địa phương, để lại những ấn tượng đẹp trong lòng du khách”-ông Nguyễn Hữu Sung kỳ vọng.
Ông Hồ Sỹ Tiến-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Yên cho rằng: Để phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đối với tỉnh Phú Yên nói riêng cũng như các địa phương khác ở Tây Nguyên nói chung là một chặng đường còn rất gian nan và nhiều thách thức. Do đó, việc các thành phố ở Tây Nguyên và TP. Tuy Hòa phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch như thế này là rất ý nghĩa và cần thiết. Mỗi địa phương có một thế mạnh, sản phẩm du lịch đặc trưng riêng. Chính vì vậy, qua những đợt xúc tiến du lịch như thế này sẽ tạo cầu nối, giúp doanh nghiệp của các địa phương kết nối, liên kết với nhau để phát huy thế mạnh du lịch của từng thành phố.
Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đỗ Việt Hưng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn |
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Yên đề nghị: “Qua đây, tôi cũng đề nghị lãnh đạo các thành phố xem xét, nghiên cứu trong những lần tổ chức tiếp theo cần tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả đạt được cũng như nhìn nhận, đề ra các giải pháp khắc phục những tồn tại trong hợp tác phát triển du lịch của 5 thành phố. Đồng thời, đề nghị các đồng chí lãnh đạo 5 thành phố quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch hoạt động tốt hơn nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới lạ hơn để thu hút du khách thập phương. Trong đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ đêm, không chỉ giới thiệu các món ẩm thực, sản phẩm quà lưu niệm mà cần quan tâm đến không gian văn hóa đặc trưng của địa phương để níu kéo du khách”.
Chủ tịch UBND TP. Tuy Hòa Cao Đình Huy cam kết tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ảnh: Quang Tấn |
Còn bà Trương Thị Phương Nga (Công ty TNHH Thương mại-Du lịch sinh thái Gia Lai) cho hay: “Chúng tôi kỳ vọng sau hội nghị sẽ có những liên kết, kết nối thật sự giữa các địa phương để gắn liền con đường rừng xanh-biển bạc. Để giấc mơ trở thành hiện thực, tôi mong muốn Hiệp hội Du lịch các các tỉnh cũng như lãnh đạo các địa phương cần quan tâm làm đầu mối kết nối với các doanh nghiệp du lịch thông qua nhóm zalo để cùng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch của mình. Chẳng hạn như vào những tháng mùa hè chúng tôi có thể kết nối các tour du lịch từ các tỉnh Tây Nguyên xuống phố biển Tuy Hòa, ngược lại các tỉnh miền Trung và TP. Tuy Hòa đến Tây Nguyên để tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ. Đặc biệt, TP. Pleiku hiện đang xây dựng, hướng đến thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” sẽ là điểm đến thú vị cho du khách ở vùng biển như Tuy Hòa”.
Tạo liên kết vùng trong phát triển du lịch
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của mỗi địa phương trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đỗ Việt Hưng cho rằng: Chúng ta không chỉ dừng lại ở việc kết nối giữa 5 thành phố mà thời gian tới cần mở rộng hơn nữa, tăng cường kết nối hơn nữa ở các đô thị duyên hải miền Trung. Để làm được, chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp để cùng tổ chức các sự kiện về văn hóa, thể thao, du lịch và thường xuyên có thông tin trao đổi với nhau nhằm hướng đến mục tiêu kết nối phát triển du lịch các địa phương. Tôi cũng thống nhất với ý kiến của các đại biểu về việc tổ chức một hội nghị đánh giá chuyên sâu hơn về kết quả đạt được cũng như đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong liên kết phát triển du lịch của các địa phương để xây dựng những phương án, định hướng phát triển thiết thực hơn, hiệu quả hơn.
Ông Hồ Sỹ Tiến-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Yên tham gia ý kiến tại hội nghị xúc tiến du lịch. Ảnh: Quang Tấn |
“Bên cạnh đó, thời gian tới, thành phố tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đồng thời, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là vấn đề giao thông nhằm tạo thuận lợi trong di chuyển kết nối, tiết kiệm thời gian của du khách đến với Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung. Với quyết tâm chính trị cao, tôi tin rằng, chúng ta sẽ tạo nên một khối liên kết phát triển du lịch bền vững, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là du lịch nhằm xây dựng các thành phố ngày càng tươi đẹp, phát triển về mọi mặt, để lại những ấn tượng đẹp trong lòng du khách”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku nhấn mạnh.
Tại hội nghị, lãnh đạo một số sở, ngành của các tỉnh và 5 thành phố đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch của các địa phương. Đồng thời, lãnh đạo TP. Pleiku cũng đã trao cờ cho TP. Kon Tum-đơn vị đăng cai tổ chức Ngày hội Quảng bá và kết nối du lịch năm 2024.
Ký kết hợp tác du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch của 5 thành phố. Ảnh: Quang Tấn |
Còn ông Cao Đình Huy-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Tuy Hòa khẳng định: Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch, kết nối giữa TP. Tuy Hòa với các thành phố ở Tây Nguyên. Sau thành công ở lần tổ chức đầu tiên trong năm 2022 tại TP. Pleiku, lượng du khách ở khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung đến với Tuy Hòa tăng đột biến. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến với Tuy Hòa tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Chủ tịch UBND TP. Tuy Hòa cho hay: “Mỗi thành phố đều có thế mạnh riêng của mình, việc chúng ta kết nối, cùng nhau hợp tác tạo nên ngành du lịch phát triển bền vững, có sự liên kết vùng. Qua những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị xúc tiến du lịch hôm nay, chúng tôi sẽ rà soát lại, đánh giá lại hoạt động du lịch của địa phương; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp du lịch Tuy Hòa có thể kết nối, hợp tác với doanh nghiệp các thành phố ở Tây Nguyên, khai thác có hiệu quả hoạt động du lịch”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: Những năm gần đây, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm phát triển ngành du lịch. Hoạt động kết nối du lịch không chỉ diễn ra ở cấp tỉnh trong khu vực mà việc các thành phố-trung tâm hạt nhân về phát triển du lịch của các tỉnh cũng quan tâm tổ chức các hoạt động kết nối du lịch. Từ đó, tạo ra những cơ chế, điều kiện rất cụ thể, đầu tư rất bài bản ở các cơ sở về du lịch để làm sao thu hút được nhiều khách hơn nữa đến với từng địa phương. Mong rằng, lãnh đạo 5 thành phố tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành của các địa phương phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa cho các thành phố.