(GLO)- Sáng 5-7, tại Gia Lai, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Bàn về các nội dung cần làm rõ theo kết luận 22- KL/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI”. Tham dự có đại diện là lãnh đạo của 5 tỉnh Tây Nguyên với sự chủ trì của ông Nguyễn Mạnh Hiển- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Mục tiêu Hội thảo lần này chủ yếu tập trung về tổng kết việc thực hiện đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với mục đích thu thập ý kiến từ các địa phương, trong đó 5 tỉnh Tây Nguyên đang nóng nhất về vấn đề này để tổng hợp trình Bộ Chính trị trong thời gian tới cho việc ban hành luật đất đai sửa đổi.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Giác |
Nhằm có thêm nhiều ý kiến phục vụ công tác tổng hợp trên, tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hiển- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các đại biểu tập trung đưa ra các giải pháp tìm hướng cho việc quản lý các nông, lâm trường nên giao chính quyền hay người dân; cấp đất sản xuất cho các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại nhiều nơi chưa được đáp ứng, vậy đâu là nguyên nhân do chính sách hay do công tác tổ chức còn lỏng lẻo, chưa tập trung.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Giác |
Với vấn đề đặt ra, phát biểu tại Hội thảo, lãnh đạo của các tỉnh đã tập trung phát biểu và kiến nghị nhiều giải pháp.
Ông Phạm Đình Thu |
Ông Phạm Đình Thu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai cho rằng: Bên cạnh các mặt làm được trong quá trình thực hiện về các vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xác định giá đất; giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS; quản lý, sử dụng các nông, lâm trường thì vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế.
Theo đó, ông Phạm Đình Thu đưa ra một số đề xuất, kiến nghị: Cần có văn bản quy định hộ gia đình, cá nhân khi bị thu hồi bao nhiêu % diện tích đất nông nghiệp thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm; thống nhất ban hành một Nghị định chung cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xem xét việc cho các hộ gia đình nhận rừng nghèo kiệt được cải tạo trồng lại rừng mới hoạt chuyển đổi phục vụ sản xuất nông nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng đất; có chính sách ưu đãi trong việc trồng rừng sản xuất đối với các lâm trường chuyển thành Công ty Lâm nghiệp nay là Công ty TNHH một thành viên; đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí cho địa phương đo đạc ranh giới, cắm mốc đất nông lâm trường quốc doanh.
Đại diện các tỉnh Tây Nguyên tham dự Hội thảo cũng có nhiều trăn trở trong quá trình thực hiện việc chính sách, pháp luật về đất đai đồng thời các đại biểu đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm xây dựng hoàn chỉnh hơn trong Luật Đất đai sửa đổi thời gian đến.
Ông Nguyễn Đức Luyện |
Ông Nguyễn Đức Luyện- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đak Nông: Chính sách bồi thường liên tục thay đổi, những hộ trây ì lại được lợi hơn các hộ thực hiện tốt để sớm nhận được mặt bằng cho việc triển khai các dự án, công trình; hầu hết các dự án thuỷ điện triển khai tại tỉnh là của Trung ương, chủ dự án thường thiếu trách nhiệm trong chi trả, đền bù… tất cả việc này dẫn đến hậu quả người dân đi khiếu kiện buộc chính quyền phải đứng ra giải quyết tái định cư, việc làm cho dân, do vậy cần có văn bản xuyên suốt từ đầu đến cuối trong việc này.
Ông Hoàng Trọng Hải |
Ông Hoàng Trọng Hải- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đak Lak: Không nên để việc tự thỏa thuận đền bù cho đơn vị thi công khi triển khai các dự án, bởi chủ đầu tư thường ép giá làm sao có lợi nhất cho mình, nên để chính quyền quản lý nhà nước làm công tác này. Về các nông lâm trường: Đơn vị sử dụng được nhà nước giao nếu không có phương án cụ thể sẽ có nhiều rủi ro.
Riêng người dân được nhà nước giao khoáng đất lâm nghiệp, đất rừng nghèo họ thường tìm cách hợp thức hoá việc chuyển diện tích đất này thành đất nông nghiệp, điều này càng làm phức tạp thêm tình hình đối với các nông, lâm trường trong thời gian qua. Cần rà soát, kiểm tra xác định vùng, mốc giới các lâm trường để quản lý rõ ràng tránh trường hợp “Bộ máy ít, diện tích thì nhiều”. Trong vấn đề giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số: Đối với Tây Nguyên 1 hộ có chừng 1 ha đất canh tác, điều này không thể đủ cho người dân sinh sống.
Đại diện các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng thì cho rằng: Cần rà soát, đánh thuế đối với các cá nhân, tổ chức tránh đầu cơ đất đai đang rộ lên tại Kon Tum; tại Lâm Đồng có nhiều nông trường đã được chuyển sang cổ phần hóa, tuy nhiên các công ty này làm ăn thua lỗ, từ 51% vốn nhà nước giờ còn lại 10-20%, để làm tốt hơn nên chuyển sang phương án khoán vườn cây. Về công tác đền bù, giải toả, thường các chủ đầu tư cam kết “nơi ở mới sẽ tốt hoặc bằng với nơi ở cũ” nhưng khi thực hiệc thì bao giờ cũng xấu hơn.
Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hiển- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tỏ rõ quan điểm: Chưa có vấn đề nào phức tạp bằng lĩnh vực đất đai trong thời gian qua, do vậy những ý kiến đóng góp trên sẽ là những thông tin quý cho việc hoàn thiện Luật Đất đai. Riêng các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành chấn chỉnh làm sao cho công tác quản lý, thực hiện được tốt hơn và có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các địa phường với Bộ nhằm giải quyết thoả đáng, nhanh chóng các vấn đề của dân.
Nguyễn Giác
Theo kết luận Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX), chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, ổn định xã hội… Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về đất đai còn một số hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất và các thủ tục hành chính về đất đai. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư còn nhiều khó khăn, bất cập. Nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ… Nguyên nhân chủ yếu trên được chỉ ra là: Đất đai có nguồn gốc phức tạp; chính sách thay đổi qua nhiều thời kỳ; việc thể chế hóa còn chậm, chưa đồng bộ; năng lực đội ngũ cán bộ về quản lý đất đai còn nhiều hạn chế, yếu kém; một bộ phận còn lợi dụng chức quyền, quyền hạn để trục lợi… Để làm tốt công việc này, Ban Chấp hành Trung ương đã giao Ban cán sự Đảng Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương nghiên cứu, làm rõ vấn đề còn có ý kiến khác nhau như: xác định giá đất; quy định về thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng nước ngoài; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường… để xem xét ban hành Nghị quyết hướng dẫn cho việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2003. |