Bạn đọc

Cách làm giàu của người Mã Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi đến Malaysia vào đầu mùa mưa. Chuyến xe bus lữ hành từ Singapore đến Kuala Lumpur mất gần 5 giờ đồng hồ, nhưng có khi kéo dài thời gian hơn vì tùy thuộc vào lượng khách và xe cộ nhập cảnh vào bán đảo Mã Lai ở cửa khẩu đường bộ thuộc bang Johor Bahru.

Đất nước Đông Nam Á này có diện tích tương đương Việt Nam nhưng dân số chỉ bằng 1/3 chúng ta. Đây là quốc gia Hồi giáo, đàn ông được quyền đa thê nhưng tỷ lệ sinh thấp. Cô hướng dẫn viên Mê-tinh, gốc người Hoa, thuộc một dòng họ đã định cư ở ngoại ô Kuala Lumpur hơn 3 đời, nói sõi tiếng Anh và tiếng Mã Lai. Chúng ta biết rằng người Hoa ở Malaysia chỉ chiếm khoảng 1/3 dân số nhưng giữ vị trí kinh tế then chốt trong nhiều lĩnh vực với tỷ lệ 70% thu nhập quốc dân. Các dịch vụ nhà hàng, khách sạn lớn, những khu giải trí nổi tiếng như ở cao nguyên Genting được mệnh danh là Las Vegas Malaysia cũng do người Hoa đầu tư.

 

Tác giả bài viết trong chuyến du lịch Malaysia. Ảnh: B.Q.V

Trước đây, dưới thời thuộc địa, Malaysia có 2 thứ mà các nước phương Tây dòm ngó, đó là cảng biển Malacca và các mỏ thiếc. Hiện ở ngoại ô Kuala Lumpur còn lưu giữ một bảo tàng mini mỏ thiếc với những hình ảnh, hiện vật về một thời thực dân khai thác thuộc địa, tương tự phu mỏ của Việt Nam trong các khu mỏ than, mỏ vàng dưới thời đô hộ của Pháp. Từ nền công nghiệp khai khoáng còn thô sơ dưới thời thực dân Anh đến sau khi độc lập, nền kỹ nghệ sản xuất thiếc ở bán đảo này đã vượt lên đứng hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, nơi này còn có mặt hàng từ cao su tự nhiên và dầu cọ với nguồn cung ứng nguyên liệu dồi dào tại chỗ đã làm nên những thương hiệu lớn ở Malaysia. Chúng tôi được đến tham quan gian hàng chế tác và trưng bày sản phẩm từ thiếc và đá quý ở ngoại ô Kuala Lumpur với nhiều loại hàng gia dụng và trang sức đẹp, tinh xảo thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Công nghệ chế biến thực phẩm và các loại dược phẩm từ nguồn dược liệu ở địa phương cũng đã phát triển ở trình độ cao với nhiều sản phẩm có giá trị. Chúng tôi được thưởng lãm nơi trưng bày và mua bán các mặt hàng sâm Malaysia và chocolate Mã Lai. Từ phương thức chào hàng đến công nghệ chế biến đa dạng sản phẩm và cách thức đóng gói, lấy niềm tin từ khách hàng… đủ biết lề lối làm ăn lớn trên thị trường ở Malaysia không kém các nước có nền thương mại phát triển.

Tôi nhớ ở Việt Nam có 2 nguồn nguyên liệu khá dồi dào, một loại khai thác từ tự nhiên là cây mật nhân (Mã Lai gọi là sâm tongkat ali, có tên khoa học eurycoma longifolia, dân gian gọi là cây bá bệnh, có nhiều ở vùng núi đá vôi phía Bắc, nhất là Quảng Ninh và vùng Kbang, tỉnh Gia Lai) và cây ca cao rất phát triển ở vùng Tây Nguyên, nhưng chúng ta chưa tận dụng để tạo ra sản phẩm “made in Việt Nam”. Ở Vương quốc Maylaysia họ xem nguồn lợi trời ban này là quốc bảo nên tập trung nghiên cứu, khai thác, bảo vệ để chế biến thành các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, trong đó có dược phẩm, thực phẩm chức năng rất đa dạng và bán với giá không hề rẻ, đem lại nguồn lợi đáng kể. Chỉ riêng loại sâm đỏ (red tongkat ali), có công dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực cho phái mạnh, có giá hàng ngàn đô la Mỹ/kg, được du khách rất ưa chuộng. Người Mã Lai có thói quen sử dụng nhiều dầu thực vật nhưng họ tự hào là ít bị các bệnh máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ như ở Việt Nam vì dùng loại sâm tongkat ali này.

Món hàng thứ 2 tôi để ý thấy du khách thường mua về làm quà là chocolate Malaysia có chất lượng không thua kém ở Vương quốc Bỉ. Họ tự hào rằng nếu Bỉ là thủ đô chocolate ở châu Âu thì Malaysia cũng đội vương miện về chất lượng chocolate châu Á. Và đương nhiên nó không hề rẻ chút nào với 50 ringit (300 ngàn VNĐ)/200 gram. Điều này cho thấy, công nghệ chế biến từ nguồn nguyên liệu tại chỗ ở Malaysia rất được chú trọng và chất lượng sản phẩm hàng hóa có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới; trong khi đó ở Việt Nam rất dồi dào nguồn nguyên liệu nhưng chúng ta chỉ xuất thô là chính và giá cả luôn biến động khiến người nông dân lao đao.

Cách TP. Hồ Chí Minh chỉ khoảng 1 giờ 30 phút bay nhưng Malaysia đã bỏ xa Việt Nam về khoảng cách phát triển kinh tế-xã hội. GDP Malaysia năm 2016 đã là 302 tỷ USD và đến năm 2018, theo đánh giá đã đạt trình độ nước phát triển, có thu nhập cao, về đích trước mục tiêu 2020. Đặc biệt, cách đây 3 năm Malaysia đã trở thành một trong những nơi tốt nhất để nghỉ hưu. Luật của họ cũng cho phép công dân nước ngoài được cấp thị thực sống tại vương quốc này 10 năm trong chương trình “Malaysia my second home”.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm