Quốc hội Triều Tiên họp phiên bất thường vào hôm 25-9 với kết quả làm chưng hửng nhiều nhà phân tích khi không đưa ra tuyên bố nào về cải cách kinh tế.
Đạo luật tăng thời gian giáo dục quốc dân bắt buộc của Triều Tiên vừa được thông qua. |
Đây là lần thứ hai trong vòng 6 tháng qua quốc hội Triều Tiên nhóm họp tại thủ đô Bình Nhưỡng thay vì họp một năm một lần dưới thời cố lãnh đạo Kim Jong-il. Cuộc họp này được coi là dấu hiệu cho những thay đổi chính sách của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau khi lên nắm quyền hồi tháng 12-2011.
Quốc hội nước này đã thông qua một đạo luật tăng thời gian giáo dục quốc dân bắt buộc từ 11 năm lên thành 12 năm. Hiến pháp Triều Tiên quy định trẻ em trong độ tuổi đến trường được đảm bảo giáo dục miễn phí. Thế nhưng, đạo luật mới không nói rõ chính phủ sẽ phải chi trả thêm bao nhiêu cho việc tăng thời gian học.
Các nhà quan sát Hàn Quốc đặt nghi vấn về việc không chính sách cải cách kinh tế nào được đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang tìm cách vực dậy nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, việc sửa đổi liên quan đến giáo dục sẽ giúp củng cố lòng tin của dân chúng đối với ông Kim Jong-un. Ngoài ra, báo chí Hàn Quốc cho rằng phiên họp này có thể hợp thức hóa giai đoạn đầu của chương trình cải cách mà Kim Jong-un mong muốn.
Nhà nghiên cứu Yang Moo Jin thuộc trường đại học nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul - Hàn Quốc nhận xét: “Việc cải cách luôn là một thử thách đầy rủi ro trong một đất nước khép kín. Tuy nhiên, ông Kim Jong-un dường như có đủ tự tin để thiết lập một hệ thống mới”.
Còn ông Chang Yong-seok thuộc trường đại học Quốc gia Seoul nói: “Có lẽ Triều Tiên cho rằng hãy còn quá sớm để triển khai, thử nghiệm các dự án kinh tế”. Trước đây vào năm 2002, Triều Tiên có một số cải cách hạn chế nhằm vực dậy một nền kinh tế đang suy sụp, song phần lớn biện pháp cải cách bị hủy bỏ 3 năm sau đó.
Theo nld