Mấy năm qua, nền giáo dục của nước ta đang cố gắng cải thiện để thoát khỏi tình trạng trì trệ kéo dài, thậm chí bế tắc, từng bước giải tỏa các bức xúc của xã hội, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của giáo dục cũng như của đất nước trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, cả nước có hơn 92% tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phấn khởi: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao là mong muốn của chúng ta, là thể hiện nỗ lực lớn của rất nhiều lực lượng, trong đó có sự chỉ đạo của Bộ, của các cơ quan quản lý, các ban ngành và sự cố gắng cao của thầy và trò các nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại khi chỉ trong thời gian ngắn, các điều kiện quyết định về chất lượng chưa cải thiện được bao nhiêu, mà lại có thể có một kết quả cao như thế thì liệu nên mừng hay nên lo?
Ảnh: K.N.B |
Còn GS. Hà Văn Thịnh cũng mạnh dạn đề xuất 3 ý kiến: Một là, phải thay sách giáo khoa và làm nhanh cho 5 vùng của đất nước này 5 bộ sách giáo khoa riêng. Ví dụ Tây Nguyên không thể dùng chung sách giáo khoa với TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội được. Hai là, phải rà soát lại tất cả năng lực của các bằng cấp hiện nay: Dỏm phải trả lại bằng; 2 năm, 3 năm mà tiến sĩ không có bài viết khoa học nào thì coi như là chấm dứt. Ba là, phải tăng lương cho giáo viên, đồng thời thay đổi bộ máy lãnh đạo mới.
Được biết, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục- Đào tạo sẽ triển khai một số chương trình, giải pháp dài hạn đã được đề ra trong 3 năm qua: Đề án đổi mới cơ chế tài chính của ngành (2010-2015); đề án phát triển các trường phổ thông chuyên (2010-2020); đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi (2010-2015); đề án dạy ngoại ngữ (trọng tâm là tiếng Anh) trong hệ thống giáo dục quốc dân tới năm 2020; Chương trình tiên tiến ở giáo dục đại học; các đề án thành lập các trường đại học xuất sắc có hợp tác với nước ngoài. Đề án đào tạo 2 vạn tiến sĩ tới năm 2020, trong đó 1 vạn đào tạo ở nước ngoài; chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ và ký túc xá cho học sinh, sinh viên; Chương trình đổi mới quản lý giáo dục đại học 2010-2012; Chương trình bồi dưỡng 28.000 hiệu trưởng phổ thông và tất cả hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng...
Riêng đề án đào tạo 2 vạn tiến sĩ tới năm 2020 là quá vội vàng, bởi vì trong vòng 65 năm qua nước ta chỉ đào tạo được 15 ngàn tiến sĩ. GS. Phạm Phụ cảnh báo “Cải cách vội vã sẽ bóp chết cải cách”.
Ai đó đã nói rằng: “Muốn biết sự phát triển của một đất nước ra sao hãy bắt đầu từ diện mạo của nền giáo dục ở nước đó”. Vì vậy, làm thế nào đưa nền giáo dục của chúng ta có thể sánh kịp với các nước tiên tiến trên thế giới? Đây là vấn đề mà các nhà lãnh đạo cần phải quan tâm hàng đầu và phải biết lắng nghe các ý kiến để lựa chọn giải pháp hay nhất.
Cách đây hơn 60 năm, Bác Hồ của chúng ta đã lo ngại cho sự phát triển của ngành Giáo dục. Bác chỉ dạy cần phải làm cuộc cách mạng để thay đổi giáo dục. Bác đã có những lời khuyên rất quý báu: “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới, cái gì cũ và xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì ta phải làm”. Lời chỉ dạy của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Thiên Ân