(GLO)- Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) được xem là công cụ hữu hiệu nhất hiện nay giúp đánh giá, phân tích một cách chi tiết về năng lực, kết quả và tác động của hoạt động điều hành kinh tế cấp sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh. Hiện tỉnh ta đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng và dự kiến triển khai bộ chỉ số này vào tháng 8-2019.
Động lực cải thiện môi trường kinh doanh
Lâu nay, tỉnh ta luôn nỗ lực cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Theo ông Lê Tiến Anh-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư): “Dữ liệu PCI cho thấy các điểm mạnh, điểm yếu, những cái được, chưa được trong năng lực điều hành và môi trường kinh doanh cấp tỉnh, nhưng chưa cụ thể hóa đến các sở, ngành, địa phương. Thực tế cho thấy, trong các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện dễ nảy sinh tình trạng “giao khoán” trách nhiệm của một vài đơn vị chủ trì mà thiếu động lực cải cách cho toàn bộ hệ thống các cơ quan nhà nước. Vì vậy, rất cần thiết phải “chuyển hóa” trách nhiệm từ tỉnh (PCI) sang các sở, ngành, địa phương cấp huyện (DDCI). Việc xây dựng chỉ số DDCI sẽ góp phần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh ở Gia Lai”.
Doanh nghiệp sẽ được phỏng vấn đánh giá trực tiếp hoạt động của các sở, ngành, địa phương. Ảnh: H.D |
Từ năm 2013, nhiều tỉnh, thành ở nước ta đã tiến hành khảo sát, đánh giá sở, ngành, địa phương cấp huyện bằng nhiều mô hình khác nhau như: khảo sát độc lập của Đà Nẵng (2013); điều tra doanh nghiệp về năng lực cạnh tranh của Hà Nội (2013); M.Score-dân chấm điểm chính quyền qua điện thoại tại Quảng Trị (2014)... Cùng với đó, nhiều tỉnh, thành cũng triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ngành, địa phương cấp huyện (DDCI). Trong đó, 3 tỉnh đã xây dựng được chỉ số DDCI khá toàn diện là Lào Cai, Quảng Ninh và Bắc Ninh. Sau khi triển khai bộ chỉ số DDCI, hiệu quả điều hành kinh tế của các tỉnh này đã tăng rõ rệt. Cụ thể, chỉ số PCI của tỉnh Lào Cai nhiều năm liên tục nằm trong nhóm tốt và rất tốt. Còn tỉnh Quảng Ninh đã trở thành “ngôi sao cải cách”, xếp thứ 2 toàn quốc về PCI năm 2016.
Tại hội thảo chia sẻ thực tiễn trong điều hành kinh tế cấp tỉnh và kinh nghiệm xây dựng bộ chỉ số DDCI khu vực Tây Nguyên diễn ra ngày 22-5 ở TP. Pleiku, ông Nguyễn Đình Cung-Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, DDCI là công cụ ít tốn kém, dễ làm nhưng lại có tác động ngay lập tức. Đó là công cụ để đánh giá và lựa chọn cán bộ nhằm tạo động lực nội sinh, tạo sự bền vững của quá trình phát triển. Việc sử dụng bộ công cụ này sẽ nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp và nhân dân, từ đó giúp thay đổi thái độ làm việc một cách tích cực hơn của cán bộ; đồng thời sẽ nâng cao độ nhạy cảm và mức độ phản ứng của cơ quan nhà nước trước những vấn đề phát sinh của doanh nghiệp và nhân dân, tạo áp lực hành chính cho những công chức của mình, buộc cơ quan nhà nước phải thay đổi theo hướng tích cực.
Nâng cao vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp
Ông Lê Tiến Anh thông tin thêm: “Tại Gia Lai, tỉnh đã bố trí tổng kinh phí 767 triệu đồng để triển khai thực hiện bộ chỉ số DDCI. Ở năm đầu tiên, đối tượng được đánh giá sẽ chia làm 2 nhóm: nhóm thứ nhất là các sở, ngành liên quan đến nhiều doanh nghiệp như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Cục Thuế tỉnh...; nhóm thứ hai là các huyện, thị xã, thành phố có nhiều doanh nghiệp hoạt động”.
Bộ chỉ số DDCI của Gia Lai có 8 chỉ số thành phần (49 chỉ số con) gồm: tính minh bạch, tính năng động, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý, vai trò người đứng đầu. |
Đối với việc triển khai bộ chỉ số DDCI, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh giữ vai trò then chốt. Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho biết: “Hiệp hội sẽ là đơn vị thực hiện việc phát phiếu khảo sát cho doanh nghiệp và phỏng vấn trực tiếp các doanh nghiệp về một số vấn đề liên quan tới DDCI. Sau đó, Hiệp hội sẽ tập hợp tất cả các phiếu gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Chi nhánh Đà Nẵng để nhập liệu và xử lý. Hiện Hiệp hội đang chờ quyết định của UBND tỉnh để triển khai, dự kiến vào tháng 8-2019. Trong năm đầu tiên, Hiệp hội sẽ phát phiếu cho 1.500 doanh nghiệp và chọn ra khoảng gần 200 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả để phỏng vấn trực tiếp”.
Tin tưởng rằng, việc triển khai bộ chỉ số DDCI sẽ góp phần nâng cao năng lực điều hành cấp tỉnh, cấp sở, ngành, địa phương, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo tiền đề để Gia Lai trở thành địa chỉ hấp dẫn, tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp.
Hà Duy