Pháp luật

Tin tức

Cấm đốt đồ mã nơi công cộng, di tích lịch sử văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo ông Lê Anh Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch): Điểm nhấn quan trọng và xuyên suốt của Nghị định 75/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-9 là tăng mức xử phạt hành chính  trong hoạt động văn hóa lên mức tối đa là 40 triệu đồng.

Cũng tại Nghị định này, một trong những vấn đề được quan tâm là việc quy định cụ thể đối với hành vi dùng âm thanh quảng cáo cho việc bán báo hoặc bán hàng rong, rao vặt gây ồn ào tại nơi công cộng. Theo đó, mức xử phạt đối với hình thức này tăng gấp ba lần so với trước đây, từ 1 triệu đồng lên 3 triệu đồng.

Hành vi đốt đồ mã sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000.
Đặc biệt, với hành vi vi phạm về quảng cáo, rao vặt gây mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường hay còn gọi là quảng cáo “bẩn” hay “rác tường”, Nghị định số 75 của Chính phủ đã đưa ra những quy định xử phạt hành chính rất nghiêm với xu hướng tăng nặng.

Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo số điện thoại, địa chỉ của người làm dịch vụ không đúng nơi quy định; viết, vẽ, dán quảng cáo lên tường, gốc cây, cột điện và các vật thể khác làm mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường.

Bên cạnh đó, dư luận cũng quan tâm đến tính khả thi của việc quy định sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng với một trong các hành vi lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa…và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan, đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử- văn hoá, nơi công cộng khác.

Về vấn đề này, ông Tuyến cho hay, đồ mã ở đây được hiểu là những vật thể có hình người, hình đồ vật, tư liệu sản xuất, tiêu dùng… còn với những tiền vàng mã là những đồng tiền giấy vàng, giấy đỏ thì không cấm. Và việc cấm đốt đồ mã cũng chỉ áp dụng ở những nơi công cộng, di tích lịch sử văn hóa, chứ không cấm tại gia đình.
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm