Báo xuân

Cam xứ Nghệ trên đất Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ trên đỉnh đồi làng Kop phóng tầm mắt về phía xa, chúng tôi như choáng ngợp bởi một thung lũng tràn ngập sắc cam. Mê hoặc bởi gam màu ấy, chúng tôi men theo con đường mòn và bắt gặp một nông trại cam Vinh đang chín rộ, khoe sắc đón nắng Xuân.
 

Ông Nguyễn Duy Đô là một trong những nông dân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015. Ảnh: Lê Lan
Ông Nguyễn Duy Đô là một trong những nông dân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015. Ảnh: Lê Lan

Chẳng cần hỏi đâu xa, bất cứ người dân nào trong vùng này cũng biết đến nông trại cam nức tiếng của nông dân Nguyễn Duy Đô. Càng đặc biệt hơn, ông là người tiên phong mang giống cây ăn quả được mệnh danh đặc sản xứ Nghệ vào trồng thành công trên đất Tây Nguyên. Ông là một trong những nông dân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015.

Chúng tôi gặp lão nông Nguyễn Duy Đô ngay tại nông trại bên những giỏ cam vàng mọng. Ngừng tay lau vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, ông niềm nở trước những vị khách không hẹn trước. Đưa chúng tôi dạo một vòng quanh vườn cam trĩu quả, ông chia sẻ về những dự định tương lai cũng như những năm tháng thăng trầm trong quá khứ. Và có một điều ở lão nông này mà chúng tôi vô cùng khâm phục, đó là suy nghĩ cấp tiến cùng với quyết tâm làm giàu không gì có thể lay chuyển. Phương châm của ông là: “Chỉ trồng những gì thị trường cần, chứ không sản xuất những thứ thị trường có”. Điều đó cũng lý giải vì sao ông không chọn cà phê, bơ hay sầu riêng… mà lại chấp nhận thử thách trồng một giống cây “khó tính” với đất bazan.

Cắt một trái cam cho khách thưởng thức ngay tại vườn, ông nói với chúng tôi trong niềm tự hào: “Để có những trái cam mát ngọt này, tôi phải mất nhiều năm thử nghiệm, tốn công sức và tiền của, thậm chí phải vét đến đồng tiền cuối cùng. Nhưng với một niềm tin mãnh liệt sẽ trồng được cam, tôi bàn với vợ vay tiền ngân hàng tiếp tục thử vận may trên khu đất ruộng ở thung lũng làng Kop (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa). “Quá tam 3 bận” cuối cùng thành công mỉm cười với ông: cây cam trồng trên đất pha cát phát triển rất tốt, cho quả chất lượng không thua gì cam trồng ở vùng chuyên canh cây ăn trái phía Bắc. Dù chỉ mới thu bói nhưng năng suất đạt khá cao, theo giá thị trường hiện nay, mỗi cây cam thu bình quân 500-600 ngàn đồng, đặc biệt nhiều cây thu từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Năm 2015, nông trại đã mang lại cho gia đình ông khoản thu nhập trên 200 triệu đồng. 2 năm nữa thôi, chuyện thu tiền tỷ từ nông trại cam này là điều trong tầm tay.

 

 Ông Nguyễn Duy Đô bên cành cam trĩu quả. Ảnh: L.L
Ông Nguyễn Duy Đô bên cành cam trĩu quả. Ảnh: Lê Lan

Đánh giá cao về hiệu quả kinh tế mà mô hình cam Vinh của ông Đô mang lại, ông Lê Bá Nghiêm-cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng đây là mô hình mới, rất có triển vọng và nên nhân rộng cho những vùng có quỹ đất phù hợp để canh tác, phát triển. Còn theo ông Phạm Văn Hảo-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Gang, đây là giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con. Vì so với cây lúa, mô hình trồng cam trên đất ruộng kém năng suất mang lại hiệu quả cao hơn hàng chục lần.

Dưới cái nắng hanh chiều cuối năm, nông trại cam cứ như đang được rót lên những giọt mật vàng óng ánh. Cảm giác như đang lạc vào miệt vườn nào đó ở tận miền Tây là có thật! Ngoài Cam Vinh, nông trại còn có nhiều loại cây trồng khác cũng là đặc sản của nhiều vùng miền: Cam Đường Canh Hà Tây, bưởi Diễn Hà Nội, chanh Đào Hòa Bình, bưởi Da Xanh Bến Tre, nhãn lồng Hưng Yên và đặc biệt là không thể thiếu vải thiều Bắc Giang-quê hương ông… Khát vọng của lão nông Nguyễn Duy Đô là “biến” nông trại này thành vùng chuyên canh, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa có thể làm du lịch.

Thu hoạch chưa lâu, song cam của nông trại đã được nhiều người biết đến vì sự tươi ngon mang thương hiệu “made in Gia Lai”. Nhiều bạn trẻ đã tìm đến tận nơi để trải nghiệm thực tế. Cầm chiếc kéo và tự tay cắt những trái cam do mình chọn, chị Trần Lương Thị Tường Vi đến từ TP. Pleiku-thích thú: “Không thể tin được một Lái Thiêu ở Gia Lai. Chắc chắn đây sẽ là “điểm hẹn” của mình và các bạn trong các ngày nghỉ sắp tới”.

Chìm đắm trong câu chuyện về cam, chúng tôi dường như quên mất thời gian. Khi ánh nắng dần tắt sau đỉnh đồi, trên tay khệ nệ túi cam chín mọng, mọi người mới chịu rời nông trại cùng lời hẹn “sẽ quay trở lại”.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm