(GLO)- Những năm qua, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã An Khê không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và khắc ghi lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”. Không những thế, trong những lúc bệnh nhân gặp nguy kịch, cần truyền máu gấp, họ lại trở thành những chiến sĩ tình nguyện hiến máu kịp thời giúp các bệnh nhân vượt qua “lưỡi hái tử thần”.
Những tấm lòng vì bệnh nhân
Tuy mới chỉ công tác tại bệnh viện được 3 năm nhưng kỹ thuật viên tin học Nguyễn Bá Thái đã có 4 lần hiến máu cứu chữa bệnh nhân. Trong các lần ấy, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần anh hiến máu cứu sống một sản phụ bị băng huyết nặng sau mổ lấy thai vào cuối năm 2013. Sản phụ Cao Thị Kim Liên, 37 tuổi, ngụ tại tổ 14, phường An Phú. Sau khi mổ, do tử cung không co bóp, mất máu nhiều nên khả năng tử vong là rất cao (99%), buộc phải truyền gấp một lượng máu lớn nhưng người nhà chỉ huy động được 3 đơn vị. Nhận được thông tin từ lãnh đạo bệnh viện, anh Thái và nữ hộ sinh Nguyễn Thị Mỹ Châu đã có mặt tại khoa Sản để kịp thời hỗ trợ bệnh nhân. Sau khi được truyền 5 đơn vị máu, bệnh nhân đã hoàn toàn vượt qua được cơn nguy kịch.
Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Mỹ Châu-người đã 2 lần hiến máu cứu sống bệnh nhân đang thăm khám các sản phụ. Ảnh: Hồng Thương |
Với chị Nguyễn Thị Mỹ Châu thì việc hiến máu cứu người là một trong những việc làm thể hiện tinh thần tương thân tương ái. Chính điều đó đã thôi thúc chị quyết định hiến máu mà không cần suy nghĩ mỗi khi có bệnh nhân cần truyền máu cấp cứu.
Cho đến bây giờ, chị Châu vẫn còn nhớ như in lần chị cứu sống một bệnh nhân bị băng huyết nặng sau sẩy thai được đưa đến bệnh viện vào tháng 5-2011. Sau khi bị sẩy thai, bệnh nhân Đinh Thị Ngọc (làng Hòa Bình, xã Tú An, thị xã An Khê) bị mất máu nặng, người bị choáng và liên tục vã mồ hôi, tri giác lơ mơ, máu ra nhiều, mạch và huyết áp không thể đo được. Biết bệnh nhân lại cùng nhóm máu với mình nên sau khi người nhà chưa huy động được người cho máu, chị đã ngay lập tức hiến máu của mình để cứu bệnh nhân. 30 phút sau khi truyền máu, bệnh nhân đã vượt qua được cơn nguy kịch trong niềm vui khôn xiết của người nhà lẫn cán bộ bệnh viện.
Chị chia sẻ: “Lúc biết bệnh nhân đã vượt qua được hoạn nạn là chúng tôi mới bắt đầu thở phào nhẹ nhõm. Đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân là yêu cầu trên hết của những người làm nghề y như chúng tôi nên ngoài chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân thì việc hiến máu cứu người của cán bộ y tế ở bệnh viện là điều hết sức bình thường”.
Luôn sẵn sàng khi bệnh nhân cần
Không chỉ riêng chị Châu, anh Thái mà còn rất nhiều tấm gương khác ở bệnh viện đa khoa khu vực thị xã An Khê đã nhiều lần hiến máu để cứu sống bệnh nhân. Để kịp thời cấp cứu bệnh nhân lúc nguy cấp, năm 2006, Bệnh viện đã thành lập “Ngân hàng máu” với 42 đoàn viên thanh niên trong chi đoàn Bệnh viện đăng ký tham gia. Danh sách các thành viên có đầy đủ họ tên, khoa phòng, nhóm máu và số điện thoại.
Ngoài ra, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thị xã An Khê khi được biết về mô hình “Ngân hàng máu” cũng đã hăng hái đăng ký tham gia. Anh La Hồng Thuận-Bí thư chi đoàn Bệnh viện cho biết: “Khi có trường hợp cần cấp cứu truyền máu khẩn cấp, chỉ cần Bệnh viện điều động là các đoàn viên đã có mặt kịp thời để hỗ trợ bệnh nhân. Đối với những đoàn viên, thanh niên khác trên địa bàn thị xã, khi được nghe bệnh viện thông báo có trường hợp cấp cứu khẩn cấp cần truyền máu, khoảng 30 phút sau họ cũng đã có mặt”.
Tuy nhiên, đến thời điểm này do bệnh viện vẫn chưa có thiết bị để xét nghiệm máu an toàn nên việc truyền máu như trên cũng được Bệnh viện hạn chế thấp nhất để tránh rủi ro cho bệnh nhân. Thay vào đó, tháng 8-2013, Bệnh viện đã mua thêm tủ lạnh dự trữ máu ở bệnh viện đa khoa tỉnh để sử dụng trong các trường hợp bệnh nhân cần truyền máu cấp cứu. Theo nguyện vọng của một số đoàn viên, nếu Bệnh viện được trang bị đầy đủ các trang-thiết bị xét nghiệm máu an toàn thì khi cần, Bệnh viện có thể huy động đoàn viên thanh niên trên địa bàn thị xã hiến máu theo từng đợt mà không cần phải mua ở bệnh viện đa khoa tỉnh.
Hồng Thương